Xu hướng thị trường xe điện Ấn Độ

Xe - Ngày đăng : 15:30, 25/01/2023

Trang Bloomberg cho biết tại Ấn Độ, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng muốn sở hữu xe cỡ lớn để đối phó với đường sá và giao thông tồi tệ, thì các nhà sản xuất đang đặt cược vào SUV giá rẻ để chiếm lĩnh thị trường xe điện (EV) non trẻ.

Một loạt EV mới chiếm vị trí trung tâm ở triển lãm ô tô lớn của Ấn Độ đầu tháng 1, nhiều công ty nước ngoài tìm cách thâm nhập thị trường, và đơn vị trong nước cũng hào hứng nói về triển vọng phát triển ngành.

Các nhà sản xuất nội địa như Tata Motors, Mahindra & Mahindra cạnh tranh gay gắt với đối thủ nước ngoài như BYD, SAIC Motor của Trung Quốc, hay Hyundai Motor của Hàn Quốc. Ngay cả hãng xe lớn nhất Ấn Độ Maruti Suzuki - trước đó tuyên bố không sản xuất EV - cũng giới thiệu một SUV chạy điện nhỏ gọn, dự tính tung ra thị trường vào năm 2025.

xu.jpg
Mẫu EV Sierra của Tata Motors - Ảnh: Reuters

Nhu cầu SUV cỡ nhỏ đang tăng mạnh tại Ấn Độ. Chúng phù hợp điều kiện lái xe ở quốc gia Nam Á này (cao tốc nhiều làn xe thông thoáng đan xen đường gồ ghề đông xe kéo, chó và bò) cũng như giúp chủ sở hữu thể hiện địa vị xã hội vượt trội.

Không như SUV điện cỡ lớn hoạt động không hiệu quả và đắt tiền bởi cần pin lớn, SUV cỡ nhỏ tiết kiệm chi phí hơn nhiều.

Theo cựu giám đốc điều hành hãng xe Aston Martin, ông Andy Palmer – người giúp hãng Nissan Motor phát triển EV Leaf: “Khách hàng muốn SUV dù là xe điện nhưng càng nhẹ càng tốt. Dùng một mẫu ô tô nhỏ chế tạo ra một SUV chạy điện là phương án phù hợp cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất”. Ông Palmer đưa ra ví dụ hãng Volkswagen lấy mẫu ID.3 cải tiến thành ID.4.

Sau khi mẫu EV Tigor ghi nhận doanh số mờ nhạt, Tata Motors năm 2020 giới thiệu phiên bản chạy điện của mẫu SUV nhỏ gọn Nexon. Mức giá 1,4 triệu rupee (17.000 USD) cùng quãng đường di chuyển khoảng 300km giúp Nexon trở thành EV bán chạy nhất Ấn Độ.

Quá trình chuyển sang xe điện ở Ấn Độ vẫn còn chậm. Nhà sản xuất nội địa còn ngần ngại vì chi phí sản xuất cao, còn người tiêu dùng chưa mặn mà vì điểm sạc công cộng ít.

Theo Hiệp hội Các đơn vị sản xuất ô tô Ấn Độ, chỉ 1,2% số lương xe chở khách bán ra trong 6 tháng tính đến tháng 9.2022 là xe điện. Ngay cả đơn vị dẫn đầu ngành với doanh số quý 4/2022 tăng gần 120% so với một năm trước là Tata Motors cũng chỉ bán được 12.596 chiếc.

Nhưng Ấn Độ - sắp vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới - là thị trường mà các hãng xe không thể bỏ qua, trong bối cảnh Trung Quốc (thị trường ô tô lớn nhất thế giới) đầy biến động.

Stellantis đóng cửa nhà máy sản xuất xe Jeep duy nhất tại Trung Quốc do dịch bệnh cùng chi phí sản xuất tăng. Volkswagen và General Motors vất vả duy trì vị thế trước loạt đối thủ Trung Quốc cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, Ấn Độ không chỉ cung cấp lao động giá rẻ mà còn có nguồn nhân lực biết tiếng Anh. Hãng SAIC bắt đầu bán SUV ở Ấn Độ vào năm 2019 sau khi tiếp quản nhà máy GM trên địa bàn bang Gujarat. Công ty có kế hoạch ra mắt ba loại EV cho thị trường này vào cuối năm 2024, dự kiến 30% doanh số tại Ấn đến từ mảng xe điện.

BYD đặt mục tiêu chiếm 40% thị trường xe điện Ấn Độ vào năm 2030. Thương hiệu Citroen của Stellantis bắt đầu nhận đặt mua SUV chạy điện eC3 tại Ấn từ ngày 23.1.

Theo giám đốc tài chính Tata Motors PB Balaji: “Quá trình chuyển sang xe điện ở Ấn Độ đang diễn ra rất mạnh mẽ và rất nhanh chóng, nhanh hơn nhiều so với mong đợi”.

Cẩm Bình