Các bảo tàng Anh dùng cách gọi khác cho xác ướp

Văn hóa - Ngày đăng : 07:43, 26/01/2023

Xác ướp là một trong số vật trưng bày phổ biến trong nhiều bảo tàng trên thế giới. Không ít phim bom tấn lấy xác ướp làm chủ đề.

Tuy nhiên, đài CNN cho biết các bảo tàng tại Anh đang dùng cách gọi khác ngoài từ “xác ướp” để mô tả thi hài người Ai Cập cổ đại. Họ sử dụng từ “người được ướp xác” hoặc tên cụ thể để nhấn mạnh đây từng là người sống.

cac00.jpg
Các bảo tàng tại Anh dùng cách gọi khác ngoài "xác ướp" - Ảnh: CNN

Theo chuyên gia lưu trữ Jo Anderson (Bảo tàng Great North: Hancock tại Newcastle): “Dùng cách gọi khác để mô tả những thi hài này khiến họ khác biệt với cách miêu tả xác ướp trong văn hóa đại chúng vốn có xu hướng “làm suy yếu nhân tính” của họ thông qua “truyền thuyết lời nguyền xác ướp” và bằng cách miêu tả họ là “quái vật siêu nhiên””.

Daniel Antoine - nhân viên Bảo tàng Anh phụ trách vật trưng bày Ai Cập và Sudan - cho biết: “Vấn đề trưng bày thi hài sao cho thích hợp nhất đã được xem xét trong khoảng 30 năm qua. Còn vấn đề dùng từ “xác ướp”, tôi nghĩ mới được xem xét gần đây thôi”.

“Chúng tôi có thi hài từ khắp nơi trên thế giới và dùng nhiều thuật ngữ để gọi tùy thuộc cách họ được bảo quản. Chúng tôi có xác ướp một cách tự nhiên thời Ai Cập chưa xuất hiện nhà nước thống nhất, vì vậy chúng tôi đơn giản gọi là xác ướp tự nhiên, không phải ướp nhân tạo”, ông Antoine nói thêm.

Quản lý Bảo tàng Great North: Hancock Adam Goldwater cho biết nhiều khách tham quan không nhận ra xác ướp một phụ nữ Ai Cập tên Irtyru mà họ trưng bày là người thật.

Theo ông Goldwater: “ Bằng cách trưng bày Irtyru một cách tinh tế hơn, chúng tôi hy vọng khách tham quan thấy được đúng bản chất thi hài: đây không phải vật thể gây tò mò mà là một con người từng thực sự sống và có niềm tin cụ thể vào cách cơ thể mình được bảo quản sau khi chết đi”.

cac01.jpg
Bảo tàng quốc gia Scotland - Ảnh: CNN

Bảo tàng Anh sử dụng nhiều cách gọi, không cấm dùng từ “xác ướp” nhưng thời gian gần đây họ viết rõ “xác ướp của … (tên người được ướp xác)”.

Bảo tàng quốc gia Scotland ở Edinburgh cho rằng từ “xác ướp” mang tính hiện đại, được sử dụng nhiều như “tính từ mô tả vật thể”. Cách bảo tàng trưng bày bị định hình bởi suy nghĩ và hành động thời đế quốc dựa trên hiểu biết về thế giới đầy tính phân biệt chủng tộc.

Họ đang cố gắng tiến hành thay đổi để giải quyết vấn đề trên, chẳng hạn như thay đổi các bảng chú thích.

Cẩm Bình