Tết nghèo của trẻ con thời chưa xa lắm (kỳ 3)
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:33, 26/01/2023
Thày bu quanh năm bận rộn, vất vả nên những đứa trẻ nghèo sớm có sự sẻ chia. Nông thôn lại lắm việc, Tết chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi chứ việc không dừng. Ngay từ trước Tết, bu tôi đã dặn nhà mình ngày mùng 2 dỡ khoai tây, mấy đứa bay đừng đi đâu nhé. Mấy đứa tức là 4 chị em tôi, vốn đang khấp khởi những chuyến du xuân ra chùa, lên huyện.
Khoai tây thường được thu hoạch khoảng trước và sau Tết. Dỡ sớm quá thì khoai chưa đủ to, mà muộn quá sẽ dễ hỏng bởi cây khoai lúc ấy đã tàn rồi. Bu tôi còn bảo để thêm ngày nào, chuột nó xơi ngày ấy. Vẫn biết mùng 2 tết được đi chúc tết, đi chơi nhưng chuột nó không phân biệt mùng, cứ sẵn khoai thì xơi thôi. Có những lần vừa dỡ khoai, vừa nhìn thiên hạ nối nhau đi trên đường làng, ai cũng quần áo đẹp, nói cười ríu rít, có đứa đem pháo theo thỉnh thoảng lại đốt nổ vang trời, thèm ứa nước mắt. Ngó sang ruộng bên, hai anh em nhà anh Minh, Dinh, rồi mấy cha con cậu Đại, mẹ con bà Hiếm cũng đang thừ người ngắm ngó cuộc du xuân. Mà đâu chỉ dỡ khoai, những chân ruộng xuân mới cấy cứ vài ba ngày lại cạn nước, hai chị em hoặc anh em tôi lại lếch thếch chiếc gầu dai mò ra đồng tát nước. Lúa còn cần ăn tết hơn người, nó mà khát thì cả năm người đói, rồi lấy đâu thóc đóng nghĩa vụ cho hợp tác xã, cho “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Ngày tết, nhà nào nuôi trâu thì đám trẻ con khổ nhất. Lũ trâu ban đêm nhai rơm nhưng ngày phải dắt chúng ra đồng, chỗ bờ ruộng, bãi tha ma cho chúng gặm cỏ. Trâu không có tết, chả thể bắt chúng nhịn đói. Sáng mùng 1 mùng 2, nhìn cảnh những đứa trẻ long nhong trên lưng trâu nhấp nhô giữa đồng, cảm giác thật khó tả, lẫn lộn vui buồn. Lại nhớ năm ấy rét đậm từ đầu tháng chạp, mấy cây đào thày trồng lá cứ xoăn tít chả hé được nụ nào, vườn trông vắng hoe. Tôi và đứa em gái sáng mùng 1 đang xúng xính áo mới guốc mới nhưng rét quá phải mặc thêm áo bông cũ trùm ngoài, bất chợt nhìn ra vườn Bỗng, cái nghĩa địa nho nhỏ phía sau nhà hợp tác, thấy bác Bổ (ít tuổi hơn nhưng mình phải gọi là bác) co ro phong phanh trong chiếc áo tơi lá te tua, quần nâu cũ bạc phếch xắn lá tọa vo lên tận đầu gối, lầm lũi dắt trâu đi, chả biết tết là gì. Nhà cụ Đẹn nghèo nhất làng, nuôi một con trâu và con nghé. Giời ơi, mùng 1 Tết rét thế mà cũng phải chăn trâu, tôi nghe loáng thoáng chị tôi than như vậy.
Một việc quan trọng nữa được người nhớn giao cho tụi trẻ con là đánh bóng lại bộ lư đồng. Nói hẳn ra thì không phải nhà nào cũng có lư. Bây giờ, bộ lư đồng ngự trên ban thờ mỗi gia đình là phổ biến, còn ngày ấy, nhất là ở nông thôn, nó được xem như thứ đồ quý hiếm. Lư đồng sau một năm thường bị lên rỉ đồng, oxy hóa, bụi cáu bẩn, phải “tổng vệ sinh”. Hồi ấy chưa có thứ dịch vụ đánh bóng lư như bây giờ, người nhớn còn bận những việc lớn, nên việc trọng này giao cho trẻ con. Hai anh em tôi sau khi thắp nén hương xin các cụ cho phép hạ lư xuống thì chia nhau mỗi đứa mần một phần. Đã chuẩn bị sẵn lá chuối khô, lá duối, trấu, tro bếp sạch. Anh tôi chả biết xin ở đâu còn có cả cục thuốc đánh đồng bé bằng nửa đốt tay út. Cứ hì hà hì hục, cặm cụi, vừa làm vừa ngó ra vườn đào, nghe tiếng lợn nhà ai bị chọc tiết kêu éc éc. Nửa buổi sáng thì xong, bộ lư đồng sáng bóng chả khác gì mới mua. Thày thường nhắc với đồ thờ cúng mình đừng để uế tạp thì các cụ sẽ phù hộ che chở cho.
Xong phần việc chung tới phần riêng, lo cho bản thân. Việc tiếp theo để làm đẹp chính mình là kỳ cọ cái cổ trâu. Không phải con trâu mà là cổ chân người. Cái cổ trâu ấy, trước tết âm lịch bị lôi ra xử lý hình sự. Để chân xấu xí đón tết sao được. Suốt mùa đông lạnh giá, tụi trẻ con giúp cha mẹ làm việc đồng áng, lội bùn, ngâm trong nước buốt, bàn chân từ mắt cá trở xuống nứt nẻ toác ra, rỉ máu, quết với bùn đất thành lớp vỏ xám xịt. Nó bám chặt cổ chân, mu bàn chân, gót chân, kẽ chân, rửa tài mấy cũng không sạch. Chị tôi đi trực chiến trận địa trên núi về, thấy em loay hoay, bèn lấy một bát ô tô tro sạch, đổ chút nước, thêm tí vôi, trộn thành bột nhao nhão, xong đắp lên cổ trâu, giống như bây giờ bác sĩ bó thạch cao cho người bị gẫy xương. Ối giời, tro ngấm vào chỗ nứt nẻ đau, xót lắm, chỉ muốn nhảy dựng. Bu tôi động viên để nó bở ra mới dễ kỳ. Một lúc sau, đám hỗn hợp máu khô trộn bùn đất lưu cữu bấy nay mềm bở, dùng búi rơm kỳ cọ, đau rát như phải bỏng, máu tứa, da đỏ phồng rộp. Rửa xong lau sạch, lấy thuốc nẻ xoa một lượt. Sau cuộc phẫu thuật thẩm mỹ ấy, hôm sau cổ chân lại đỏ da thắm thịt, da non liền lại, ưa nhìn. Có được bàn chân sạch đón tết chả khác gì vừa trải qua cuộc tra tấn.
Xong món chân, còn phải ra quán chú Xích cắt tóc, gọt mái tóc bù xù chả khác tổ quạ, rồi đun nồi nước nóng tắm rửa tẩy trần. Con người sạch sẽ thơm tho hẳn. Ăn tết, đón xuân cũng phải công phu, đau đớn phết.