Chiến tranh Nga - Ukraine đã ‘cướp phá’ vẻ lấp lánh của thành phố kim cương Ấn Độ
Chuyển động - Ngày đăng : 14:25, 26/01/2023
Mahesh Patel, 41 tuổi, làm công việc cắt và đánh bóng những viên kim cương trong gần 20 năm cho các công ty ở Surat - một trong những trung tâm sản xuất kim cương lớn nhất thế giới.
Bề dày kinh nghiệm và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết giúp Patel có thu nhập khá khi làm việc trong ngành kim cương ở vùng Mahidharpura của Surat thuộc bang Gujarat.
Thế nhưng chiến tranh ở Ukraine đã khiến Patal cùng hàng ngàn người khác thất nghiệp hoặc chỉ còn làm việc ít thời gian do công việc trở nên ít ỏi. Ngành kim cương của Surat sử dụng đa số kim cương thô từ Nga, nhưng vì mặt hàng này không còn, các xí nghiệp kim cương Surat phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngày càng lớn.
Patel nói với báo Đức Deutsche Welle (DW): “Việc thiếu nguồn cung đã khiến chủ của nhiều xí nghiệp sa thải nhân công. Các xí nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa”.
Không đủ kim cương, không đủ việc làm
Từ vài tháng qua, các tiệm bán kim cương vắng khách. Theo ước tính, Surat có 6.000 đơn vị mài - đánh bóng kim cương, sử dụng nửa triệu nhân công và hàng năm đạt doanh số từ 21 đến 24 tỉ USD (từ 19 đến 22 tỉ euro). Nhưng ước tính sơ bộ của công đoàn nhân công kim cương Surat cho biết khoảng 10.000 nhân công đã bị mất việc trong thời gian gần đây.
“Không có đủ kim cương. Vì thế, không có đủ việc làm”, theo nhà buôn thời vụ Chander Bhai Suta. Trong khi đó, nhà buôn Paresh Shah cho biết, nhiều đơn vị vẫn ráng duy trì hoạt động dù bị lỗ.
Alrosa là doanh nghiệp khai thác mỏ kim cương thuộc nhà nước Nga, cung cấp khoảng 30% kim cương thô cho toàn cầu. Alrosa là nguồn cung lớn cho Ấn Độ, nơi nhập khẩu, mài và đánh bóng khoảng 80 - 90% nguồn kim cương thô của thế giới.
Còn có thông tin Ấn Độ nhận 60% kim cương thô từ Alrosa.
Vì chiến dịch quân sự Nga - Ukraine, lệnh cấm vận của phương Tây đã làm gián đoạn toàn bộ nguồn cung kim cương thô từ Nga, và điều này ảnh hưởng đến Surat. Mỹ là thị trường lớn nhất của kim cương đã qua xử lý từ Ấn Độ, nhưng nhiều công ty Mỹ hiện từ chối mua hàng hóa có nguồn gốc Nga.
Vipul Shah, Chủ tịch Hội đồng Quảng bá Xuất khẩu Đá quý và Kim hoàn (GJEPC) nhận định, ngành kim cương Ấn Độ đang bị thách thức: “Lệnh cấm vận khiến khối lượng kim cương giảm hơn 30% và sản lượng xuất khẩu giảm 35%. Chắc chắn, mọi sự đã chậm lại trong vài tháng qua”.
Các nhà cung cấp kim cương cũng chỉ ra lệnh trừng phạt đã loại bỏ Ngân hàng Trung ương Nga và hai ngân hàng lớn của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT).
Hồi tháng 11.2022, Ấn Độ đã phê duyệt cho 9 ngân hàng mở các tài khoản vostro (tài khoản được ngân hàng B mở cho ngân hàng A theo yêu cầu của A và nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của A) để tạo điều kiện dễ dàng cho việc giao dịch bằng đồng tiền rupee với Nga. Ý tưởng giao dịch bằng đồng rupee Ấn Độ nhằm “lách” lệnh trừng phạt Nga của phương Tây.
Tuy nhiên, động thái này lại không giải quyết được vấn đề. Dù Ấn Độ muốn giao dịch chủ yếu bằng đồng rupee nhưng nước này chưa có thỏa thuận giao dịch quốc tế lớn nào bằng đồng tiền này.
Nhà buôn Shah nói: “Các thỏa thuận giao dịch trở nên khó hơn và dẫn đến đứt gãy nguồn cung. Không nhiều công ty sử dụng tài khoản vostro”.
Kế hoạch sử dụng kim cương nuôi cấy nếu chiến tranh kéo dài
Các nhà buôn kim cương hiện nhận ra những khó khăn trong việc bù đắp cho biệc giảm nguồn cung kim cương thô từ Nga. Giá thành của một sản phẩm đã qua xử lý cũng tăng lên. Người trong ngành nói giá bán quốc tế của kim cương đã đánh bóng chất lượng cao đang cao hơn từ 20 - 30% so với trước khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine.
Sanjay Kothari, một chuyên gia hàng đầu trong ngành kim hoàn và là Phó chủ tịch KGP Group, nói với DW: “Tôi cho rằng nguồn cung chỉ ổn định từ nửa sau năm nay hoặc muộn hơn. Việc thiếu nguồn cung kim cương thô khiến nhiều công ty tìm đến kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm”.
Loại kim cương này cũng giống kim cương đào được trong tự nhiên nhưng khác nguồn gốc. Chúng có các tính chất hóa học, vật lý và quang học giống như kim cương được khai thác.
Tuy nhiên, ngành kim cương tin rằng kim cương nuôi cấy có thể không chứng tỏ là một sự thay thế ngay lập tức, nếu lệnh trừng phạt của Mỹ đối với doanh nghiệp Alrosa vẫn kéo dài.
Đa số kim cương đã qua xử lý ở bang Gujarat đều có nguồn gốc Nga. Trong khi một số công ty kim cương bắt đầu mua nguyên liệu thô từ các nước châu Phi, với giá mua cao hơn. Theo cơ quan xếp hạng Crisil, chiến tranh ở Ukraine cũng có khả năng dẫn đến việc tăng giá kim cương thô, dự kiến sẽ tăng từ 10 đến 12% trong năm tài chính này.