Bộ Tài chính yêu cầu siết chặt quản lý giá sau Tết

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:28, 27/01/2023

Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Đó là yêu cầu của Bộ Tài chính về các biện pháp quản lý, điều hành giá sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, một số siêu thị, chợ truyền thống đã mở cửa đón khách trở lại, các cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán "lấy ngày" đầu năm.

Vào mùng 4 và mùng 5 Tết, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao do phần lớn các gia đình đã chuẩn bị đủ. Thời điểm này, nhu cầu của người dân chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng và lĩnh vực thiết yếu như: nhóm thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả tươi; hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...

Ngày 27.1 (mùng 6 Tết), hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống đều hoạt động bình thường. Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như: rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và dự báo sẽ dần trở lại bình thường vào các ngày tới khi nguồn cung từ các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại ổn định cũng như nhu cầu người dân trở lại bình thường. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định theo chính sách bán hàng và đảm bảo nguồn cung cho người dân.

Tại một số chợ đầu mối, chợ dân sinh của Hà Nội, các mặt hàng cá chép, cá trắm, cá trôi to... là những mặt hàng bán chạy nhất. Bên cạnh đó, đậu phụ cũng được nhiều người ưa chuộng. Giá các loại cá tươi sống tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với ngày thường, đậu phụ tăng gần gấp đôi khi có giá 4.000 đồng/bìa.

Riêng giá rau xanh vẫn ở mức cao do thời tiết giá lạnh, rau chậm phát triển. Tuy nhiên, do là phiên chợ đầu năm nên không khí khá khẩn trương và người đi mua hàng chấp nhận trả giá cao hơn so với ngày thường.

Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau quả nên nguồn cung khá dồi dào. Giá chỉ tăng cục bộ trong các ngày nghỉ từ mùng 1 đến mùng 5 tại một số chợ dân sinh thành phố lớn do người bán không nhiều và nhu cầu tiêu thụ rau, củ của người dân tăng. Tuy nhiên, nhìn chung giá rau củ quả vẫn ổn định hoặc sẽ nhanh chóng trở lại bình thường sau những ngày đầu Tết do thời tiết thuận lợi cho canh tác trồng rau xanh. Giá các loại hoa quả tăng nhẹ từ 5 - 10% tùy từng loại so với ngày thường do nhu cầu cúng tết cũng như phục vụ quà tặng, chúc tết.

Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ... chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và dự báo sẽ dần trở lại bình thường vào các ngày tới khi nguồn cung từ các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại ổn định. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định theo chính sách bán hàng và đảm bảo nguồn cung cho người dân.

Sau Tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm khả năng có xu hướng tăng.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt công tác về quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Trong đó, kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng như: giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá giữ xe, giá dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ khác trong các dịp lễ, Tết...

Đối với nội dung kiểm tra, thanh tra giá, mỗi địa phương đều tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra và chia thành nhiều đợt, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá của cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, việc kê khai giá, phát hiện và xử lý kịp thời.

Tuyết Nhung