Nhật Bản phóng vệ tinh theo dõi hoạt động quân sự của Triều Tiên

Chuyển động - Ngày đăng : 10:55, 27/01/2023

Vệ tinh này cũng nhằm cải thiện khả năng ứng phó thiên tai của Nhật Bản, theo hãng tin Kyodo News.
jaxa-1.jpg
Tên lửa H2A mang vệ tinh tình báo rời bệ phóng - Ảnh: Asahi

Vụ phóng vệ tinh tình báo IGS Radar 7 (vệ tinh số 7) nhằm theo dõi hoạt động quân sự của CHDCND Triều Tiên, đồng thời cải thiện khả năng ứng phó thiên tai của Nhật Bản. Vụ phóng diễn ra vào lúc bán đảo Triều Tiên chứng kiến căng thẳng leo thang sau khi Bình Nhưỡng cho phóng ồ ạt tên lửa hồi năm 2022, trong khi Hàn Quốc và Mỹ củng cố quan hệ quân sự bằng các cuộc diễn tập chung.

Công ty Mitsubishi Heavy Industries điều hành tên lửa H2A số 46 đã phóng vệ tinh IGS Radar 7 lên quỹ đạo từ Trung tâm Không gian Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, phía tây nam Nhật Bản.

“Vệ tinh này có thể chụp các ảnh dưới đất vào ban đêm cũng như vào lúc điều kiện thời tiết xấu. Nó cũng có thể dùng để truyền dữ liệu khi xảy ra thiên tai”, theo Trung tâm Vệ tinh Tình báo thuộc chính phủ Nhật Bản.

Thời tiết xấu do đợt rét bất ngờ mới đây đã khiến kế hoạch phóng IGS Radar 7 phải lùi từ ngày 25 qua ngày 26.1. Vệ tinh số 7 sẽ thay thế vệ tinh số 5 vốn đã đạt đến tuổi thọ 5 năm.

jaxa-2.jpg
Tên lửa H2A đang bay lên quỹ đạo Trái đất - Ảnh: Asahi

Hiện tại Nhật điều hành 9 vệ tinh radar, gồm các vệ tinh có thể chụp ảnh các vị trí dưới đất 24 giờ/ngày ngay cả khi thời tiết rất xấu.

Nhật Bản lập chương trình vệ tinh tình báo Intelligence Gathering Satellite (IGS) từ sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa bay qua nước này hồi năm 1998.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang nhắm đến việc lập một hệ thống 10 vệ tinh trên quỹ đạo, nhằm phát hiện và cảnh báo sớm khả năng xảy ra những vụ phóng tên lửa, giám sát và ứng phó thiên tai. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ sử dụng vệ tinh số 7 cùng các vệ tinh tình báo khác đảm bảo an ninh quốc gia Nhật Bản và điều hành khủng hoảng.

Chính phủ ông Kishida hồi tháng 12.2022 đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, gồm sở hữu tên lửa hành trình tầm xa như một “năng lực phản kích”, với lý do Trung Quốc và Triều Tiên đạt tiến bộ nhanh trong việc phát triển vũ khí.

“Năng lực phản kích” nhằm tấn công phủ đầu đối phương, sẽ cần sự tiến bộ lớn trong việc thu thập tin tình báo của năng lực an ninh mạng, cũng như có sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ, theo nhận định của các chuyên gia.

Dòng tên lửa H2A - có chiều dài 53 mét và đường kính 4 mét - từng thất bại trong một chuyến bay hồi năm 2003, nhưng từ sau đó luôn phóng thành công những 40 lần liên tiếp.

Mitsubishi Heavy Industries cùng Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản cũng đang cùng phát triển tên lửa mới H3 để kế thừa dòng H2A vốn sẽ “về hưu” từ năm 2024. Vụ phóng tên lửa H3 đầu tiên đã được lên kế hoạch tiến hành trong tháng 2.2023.

Bảo Vĩnh