Morocco lấy lòng EU bằng cách viện trợ xe tăng cho Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 11:30, 28/01/2023
Thời gian gần đây Morocco hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt từ Nghị viện châu Âu (EP).
Quốc gia châu Phi này vào đầu tháng 1 dự kiến kết án hai nhà báo Omar Radi và Soulaimane Raissouni lần lượt 6 và 5 năm tù về tội chỉ trích chính quyền. Không ít thành viên EP lên tiếng yêu cầu Morocco tôn trọng quyền tự do ngôn luận cùng tự do báo chí.
Mối quan hệ giữa Morocco với Liên minh châu Âu (EU) vốn đã căng thẳng từ sau vụ bê bối tham nhũng làm rúng động EP tháng 12 năm ngoái: hàng loạt nghị sĩ bị cáo buộc nhận hối lộ từ Qatar và Morocco. Cả hai nước đều phủ nhận, Ngoại trưởng Morocco Nasser Bourita chỉ trích châu Âu “xúc phạm”.
Tiến sĩ Isabelle Werenfels (Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh, quốc tế) của Đức nhận định căng thẳng hiện tại đặt Morocco vào tình cảnh khó khăn.
Thế nhưng tuần qua Morocco có một động thái bất ngờ: thông báo chuyển giao 20 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B đã được tân trang lại cho Ukraine, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên viện trợ Kyiv vũ khí hạng nặng.
Động thái trên đánh dấu sự thay đổi từ lập trường trung lập sang đứng về phía phương Tây. Ở cuộc bỏ phiếu Liên Hợp Quốc tổ chức nhằm lên án cuộc chiến vào tháng 3.2022, Morocco thuộc số quốc gia bỏ phiếu trắng.
Theo hãng tin MENA Defense, Morocco vào tháng 4 năm ngoái đã đồng ý viện trợ xe tăng cho Ukraine nhằm nhận lấy hỗ trợ tài chính và quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên động thái này chỉ vừa được công khai mới đây, ngay trước lúc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bắt đầu chuyến công du châu Phi, Morocco cũng nằm trong danh sách điểm đến.
Theo chuyên gia địa chính trị - an ninh Alice Gower (Công ty tư vấn Azure Strategy): “Với Nga điều này đánh dấu bước thụt lùi của nỗ lực giữ cho châu Phi đứng về phía mình hay ít nhất là trung lập, đặc biệt ở Liên Hợp Quốc”.
Giới phân tích nhận định động thái bất ngờ của Morocco còn nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Algeria.
“Căng thẳng kéo dài với láng giềng Algeria (đồng minh Nga) tại vùng Tây Sahara chắc chắn góp phần dẫn đến tính toán về chuyện viện trợ xe tăng cho Ukraine. Làm vậy thì Morocco sẽ có chút đòn bẩy để kêu gọi các cường quốc phương Tây giúp đỡ trong trường hợp ảnh hưởng của Nga ở Algeria trở nên gây khó chịu”, theo chuyên gia Gower.
Morocco cũng lo ngại mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Algeria với một số quốc gia châu Âu. Đầu tuần qua Algeria - Ý ký kết hàng loạt bản ghi nhớ hợp tác nhân chuyến thăm của Thủ tướng Giorgia Meloni. Algeria hiện là nước cung cấp khí đốt lớn nhất của Ý, hai nước dự định bắt tay biến Ý thành trung tâm năng lượng đưa khí đốt Algeria vào châu Âu.
Tiến sĩ Werenfels chỉ ra để cạnh tranh Algeria ở lĩnh vực năng lượng, Morocco đang đẩy mạnh kế hoạch trở thành quốc gia Bắc Phi đầu tiên xuất khẩu hydro quy mô lớn: “Cả hai đều muốn hợp tác với châu Âu. Morocco nuôi dưỡng ý định vươn mình thành cường quốc khu vực”.