Kịch và phim mùa Tết Quý Mão: Tiếp tục chiến thắng doanh thu phòng vé

Văn hóa - Ngày đăng : 12:40, 28/01/2023

Mùa tết âm lịch luôn được xem là thời điểm vàng của các loại hình giải trí, trong đó, có phim và kịch. Tuy vậy, sau 3 năm dịch bệnh, các nhà sản xuất phim, ông bà bầu sân khấu có phần e dè, chuẩn bị tinh thần cho việc người xem sẽ ít hơn nhưng điều bất ngờ đã xảy ra.

Doanh thu phòng vé bên kịch chiến thắng vang dội, còn điện ảnh, phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành sau 5 ngày chiếu đã đạt 145 tỉ đồng, phim Chị chị em em của Vũ Ngọc Đãng đạt 38 tỉ đồng.

Vào mùa tết năm Nhâm Dần 2022, sân khấu kịch tại TP.HCM được phép tái hoạt động sau 9 tháng đóng cửa. Các ông bà bầu dù hồi hộp vì tình hình dịch bệnh có thể quay lại bất ngờ nhưng vẫn quyết định sáng đèn trong mùa lễ đặc biệt này. Hầu hết các rạp đều đón lượng khách rất tốt, riêng Idecaf cháy vé. Bên điện ảnh, hệ thống rạp toàn quốc bắt đầu mở cửa đã giúp cho phim Việt chiếu tết hiếm hoi Bố già của Trấn Thành đạt 420 tỉ đồng doanh thu. Sự thành công này được những người kinh doanh trong lĩnh vực giải trí lý giải do thời gian ở nhà tránh dịch quá lâu, không được ra ngoài trong thời gian dài, nên công chúng khát khao được đến rạp. Điều này đồng thời củng cố quy luật mùa tết là mùa giải trí đẹp và thu hút khán giả trong năm.

Sân khấu kịch có cái tết ấm áp

Thế nhưng, qua Tết Nhâm Dần được một thời gian, sân khấu Hồng Vân tại Phú Nhuận tuyên bố đóng cửa, sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển hướng hoạt động theo mùa; chỉ còn sân khấu Idecaf và Thế Giới Trẻ vẫn duy trì được sự ổn định. Điều này cho thấy hoạt động kịch nghệ tại TP.HCM chỉ nhộn nhịp vào mùa Tết. Rồi vào những tháng cuối năm 2022, các thông tin dự báo kinh tế khiến nhiều ông bà bầu sân khấu xem xét cẩn trọng tình hình. Có nơi, ban đầu chỉ xếp lịch diễn khá mỏng, nhưng sau khi bàn tính ngược xuôi đã đi đến quyết định táo bạo đầu tư tối đa cho mùa tết, từ kịch mục mới đến lịch diễn.

dainaolongcung.jpg
Vở kịch trong mùa tết 2023 dành cho thiếu nhi "Đại náo long cung"

Bà bầu Tracey Thúy Nguyễn của sân khấu Thế Giới Trẻ chia sẻ: “Ba tháng trước tết 2023, tình hình khán giả xem kịch giảm sút. Tôi dự định chỉ diễn mỗi ngày 2 suất, và chỉ dựng mới 1 vở, nhưng ông xã Trần Đại quyết định tăng 3 suất diễn, đầu tư 3 vở mới, tăng giá vé và lịch diễn tết kéo dài đến ngày 15 Tết. Tất cả các vở được lên lịch đều bán hết vé trong khu vực VIP qua online. Các vị trí ngồi còn lại, từ mùng 1 đến mồng 6 tết, gần đến giờ diễn khán giả kéo đến ùn ùn mua sạch. Từ ngày mùng 6 tiếp tục bán hết tất cả các vé cho ngày 15 tháng Chạp. Chúng tôi đã phải từ chối bán vé cho những khán giả không đặt vé trước. Số ghế của sân khấu chúng tôi bây giờ là 250 ghế. Tôi có cảm giác rằng trong mùa tết 2023, chúng tôi có thêm gấp đôi số ghế vẫn bán hết”.

Sân khấu Idecaf mùa kịch tết năm nay vắng bóng NSƯT Thành Lộc nhưng tất cả các vé kịch mục đều đã bán hết vé từ trước tết. Điều đặc biệt, từ sau mùa kịch tết năm 2022, tất cả các vở diễn cũ của Idecaf dù tái diễn vẫn được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Đây là điều khiến cho chính ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thường rất nhanh nhạy trong đánh giá nhu cầu giải trí của công chúng cũng bất ngờ.

Sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò Minh Nhí và Việt Hương dù mới khai trương vẫn kín rạp từ mùng 1 đến mùng 5. Từ mùng 6 đến mùng 8 tết, lượng vé bán ra đạt hơn 2/3. Nhà hát Thanh Niên của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn mới hoạt động chính thức vào Tết 2023, dù chưa được quảng bá mạnh, chưa có nhiều ngôi sao, chỗ để xe chưa ổn định nhưng vẫn bán được khoảng 250 vé cho mỗi suất diễn, từ mùng 1 đến mùng 5. Sân khấu kịch 5B của bà bầu Mỹ Uyên dù đang gặp khó khăn nhưng ngày tết vẫn đầy khán giả.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh sau khi chuyển đổi phương cách hoạt động đã đạt hiệu quả tốt. Theo bà bầu Ái Như, riêng các suất tết, số vé bán ra tầm 2/3 rạp, nhưng tổng số ghế là 400, tính ra mỗi suất tầm 300 khán giả trở lên, đông từ bằng đến hơn các sân khấu khác. Điều đáng mừng là ngay trong mùa Tết, Hoàng Thái Thanh đã ký hợp đồng diễn rất nhiều suất cho chương trình văn học ngoại khóa. Đây là các suất diễn mà các trường học xem là giờ học văn học dành cho học sinh.

Phim của Trấn Thành thành công nhưng bị chê chất lượng kém?

Mùa phim tết năm nay, tính riêng phim Việt, là cuộc chơi của Nhà bà Nữ của Trấn Thành và Chị chị em em 2 của Vũ Ngọc Đãng.

Tính đến mùng 5 tết, Chị chị em em đã đạt 38 tỉ đồng, thì trong cùng thời gian Nhà bà Nữ đạt 145 tỉ đồng. Riêng ngày mùng 4 tết, Nhà bà Nữ bán hơn 313.000 vé, doanh thu trong ngày hơn 31 tỉ đồng.

canhtrongphim.jpg
Một cảnh trong phim "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành 

Nhà bà Nữ đánh dấu sự trở lại của Trấn Thành sau 2 năm không làm phim điện ảnh kể từ Bố già (2021). Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của gia đình nhiều thành viên của bà Nữ. Sau khi ly hôn, bà Nữ hận đàn ông, áp đặt suy nghĩ lên các con. Bà mở quán bánh canh cua kiếm sống và trở thành trụ cột gia đình "toàn nữ" gồm mẹ già, hai con gái.

Con số doanh thu khả quan này cho thấy Trấn Thành đã chiến thắng mùa phim tết nhưng lý do khiến khán giả đến rạp không hoàn toàn do chất lượng phim. Ngay sau ngày mùng 1 tết, tức là chỉ sau một ngày lập kỷ lục phòng vé 23 tỉ đồng trong ngày đầu công chiếu, đã xuất hiện 2 ý kiến trái chiều về phim Nhà bà Nữ. Một bên khen phim hay gần gũi với đời thường, còn một bên chê phim rằng phần gây cười giống như tấu hài, còn phần bi kịch thì bị đẩy lên quá mức khi nhân vật bà Nữ cũng chửi, con gái lớn cũng chửi, con gái nhỏ cũng gào thét một cách không cần thiết.

Theo đánh giá, phim Nhà bà Nữ chỉ là một bộ phim còn "non tay", từ biên kịch, đạo diễn và diễn xuất. Tác giả đã lý giải rằng một người sống trong gia đình mà người lớn cư xử cục súc thì con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng và có cách cư xử tương tự. Bằng chứng là bà Nữ (Lê Giang) chửi mắng và hành động thô lỗ thì con gái lớn (Khả Như) và con gái nhỏ (Uyển Ân) cũng y như mẹ. Vậy nhưng, trong nhà còn có bà ngoại. Tính cách của bà ngoại rất hiền. Thế thì tại sao bà Nữ không giống cái tính nết hiền của người mẹ? Tác giả không đưa ra tình huống nào cho thấy bà Nữ bị tác động bởi môi trường xung quanh dẫn đến sự cộc cằn và độc đoán. Nếu bỏ nhân vật bà ngoại thì khán giả khó tính sẽ tạm chấp nhận lập luận mẹ giáo dục con bằng bạo lực thì con sẽ hành xử bạo lực.

Bên cạnh nhân vật trung tâm bà Nữ là người hay la hét và chửi mắng, tác giả đã khai thác theo hướng tất cả các nhân vật chính gồm bà Nữ, con gái lớn, con gái nhỏ, bạn trai con gái nhỏ cũng la hét bung bét khi gặp điều không như ý. Và vì vậy, không có một tình huống kìm nén cảm xúc nào để có những cảnh diễn có chiều sâu. Những tiếng la hét chồng lên nhau cùng những tiếng chửi tục không đúng vào tình huống trở nên thừa thãi. Nhân vật của Trấn Thành có tính cách chịu đựng nhưng tình huống xung đột kịch tính vẫn chưa đủ để khán giả cảm thấy thương. Tình huống bùng nổ cảm xúc không xuất hiện.

Ngoài ra, phim có một số nhân vật thừa, không có nhiều giá trị cho kịch bản phim.

Để bộ phim gần gũi với đời sống, Trấn Thành chọn cách có rất nhiều tình huống gọi là “trend” (xu hướng) trên mạng. Với khán giả dễ tính thì cho đây là những cảnh “thấy hình ảnh mình trong phim”, còn với người khó tính thì đây là sự sao chép không cần thiết vì nó chưa đủ tinh lọc để tạo nên điều gì đó thú vị cho câu chuyện. Phần hài đã không được khai thác tốt dù đó được xem là thế mạnh của Trấn Thành và dàn diễn viên tham gia.

Phim có điểm cộng là sự xuất hiện NSND Ngọc Giàu, NSND Việt Anh với lối diễn tự nhiên. Trấn Thành cũng là một điểm sáng diễn xuất trong Nhà bà Nữ.

Có thể thấy rằng phim của Trấn Thành chiến thắng phòng vé mùa tết 2023 không hẳn nhờ chất lượng phim mà vì Trấn Thành có lượng người hâm một đông, quảng bá mạnh, đề tài gia đình ít được khai thác trên phim điện ảnh Việt. Ngoài ra, trong mùa tết công chúng cũng sẵn sàng chi tiền cho kịch và phim.

Nguyễn Huy