Nhà máy điện hạt nhân bị bỏ hoang gây tranh cãi ở Philippines

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:59, 28/01/2023

Tổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr hồi năm 2022 tuyên bố “đã đến lúc xem xét lại khả năng sử dụng điện hạt nhân (ĐHN) và phục hồi nhà máy ĐHN Bataan".

Tuyên bố của ông Marcos đưa ra vào lúc giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng và thế giới đang thúc đẩy việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu, và sự quan tâm ĐHN lại nổi lên ở Philippines. Nguồn điện này được cho là sẽ cho phép Philippines “xanh hóa” lưới điện mà không phải hạ mức tăng trưởng.

bataan-1.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Bataan chưa bao giờ được sử dụng - Ảnh: Washington Post

Biểu tượng lãng phí của chế độ Marcos "cha"

Nhà máy ĐHN Bataan - một dự án 2,3 tỉ USD và có thể trở thành nhà máy ĐHN đầu tiên của châu Á - là ý tưởng của cha ruột đương kim Tổng thống Marcos, nhà độc tài Ferdinand Marcos. Ông quyết định xây nhà máy hồi năm 1973, lúc thế giới đang lâm cuộc khủng hoảng năng lượng do lệnh cấm vận dầu thô Trung Đông.

Tuy nhiên, công trình xảy ra nhiều lần chậm tiến độ xây dựng, chi phí bị “đội” và xảy ra các cáo buộc dòng họ Marcos nhận hối lộ của các nhà thầu. Phong trào “Quyền lực Nhân dân” đã lật đổ Marcos “cha” và khi ông chạy khỏi Philippines năm 1986, nhà máy bị lãng quên.

Đến năm 1986 xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy ĐHN Chernobyl ở Liên Xô (cũ), chính phủ Tổng thống Corazon “Cory” Aquino ra lệnh chấm dứt công trình nhà máy ĐHN Bataan, sau khi một ủy ban độc lập kết luận nhà máy “không bảo đảm an toàn thích đáng và có thể là một nguồn độc hại”.

Nhà máy bị bỏ hoang này nằm trên một ngọn đồi nhiều cây cối cách thủ đô Manila 3 giờ xe, đã trở thành một biểu tượng lãng phí của thời Marcos “cha”.

“Đó là một cơ hội lấy lại những gì đã mất, không chỉ cho tôi, mà cho toàn Philippines”, là cảm nghĩ của Willie Torres, 61 tuổi. Ông từng là một kỹ thuật viên 18 tuổi của nhà máy khi nó được xây dựng, và là một trong số ít nhân viên khi nhà máy bị đóng cửa.

Từ hàng chục năm qua, Torres hy vọng sẽ có ngày mở lại nhà máy, và nay điều đó có thể được thực hiện dưới thời Marcos “con”.

“Đây là một cơ hội mà chúng tôi có được từ hàng chục năm qua”, theo Hạ nghị sĩ Mark Cojuangco, con trai của tỷ phú quá cố Danding Cojuangco, vốn thân cận dòng họ Marcos.

Trong 15 năm qua, Cojuangco đã hai lần đề nghị một luật thông qua việc khôi phục nhà máy ĐHN Bataan, và ông tài trợ cho một tổ chức phi vụ lợi ủng hộ hạt nhân cũng như chi tiền túi mua vé máy bay cho các nhóm ủng hộ hạt nhân đến họp ở Philippines.

Sau khi ông Marcos “con” trúng cử tổng thống năm 2022, Cojuangco được chỉ định làm chủ tịch một ủy ban đặc biệt về năng lượng hạt nhân.

Hồi tháng 11.2022, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố Washington đã bắt đầu đàm phán với Philippines về một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, bước đầu cho phép các công ty Mỹ bán công nghệ hạt nhân cho Philippines.

Cojuangco hoan nghênh động thái này, nhưng qua tháng sau, ông họp với các quan chức Trung Quốc và Hàn Quốc, dù chưa biết nước nào đạt được thỏa thuận cấp chính phủ để bán công nghệ hạt nhân cho Phillippines.

Cojuangco từng tuyên bố: “Ai cũng muốn giúp chúng tôi”. Người ủng hộ hạt nhân cũng vận động giới trẻ Philippines, hứa hẹn rằng sự phục hồi nhà máy ĐHN Bataan sẽ tạo ra việc làm và đầu tư. Họ còn nói nhà máy là “cửa ngõ” tiến vào nền công nghiệp của tương lai.

bataan-2.jpg
Kỹ thuật viên Willie Torres từng làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Bataan - Ảnh: Washington Post

Vì sao Philippines cần có điện hạt nhân?

Nằm trong vùng xảy ra hàng chục vụ thiên tai liên quan khí hậu mỗi năm, Philippines là một trong những quốc gia dễ bị tổn thất nhất từ những tác động của biến đổi khí hậu. Ngành điện nước này dựa nhiều vào than, vốn gây ra một nửa lượng khí thải nhà kính của Philippines, đặt nước này vào thế luôn chịu sức ép phải tìm ra các nguồn năng lượng mới.

Người dân Philippines hiện đang phải chịu mức tiền điện cao nhất châu Á, phần lớn do nguồn điện của nước này từ các nhà máy điện chạy than nhập khẩu, và than đang ngày càng có giá bán cao.

Với nhu cầu sử dụng điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, ĐHN là nguồn thay thế tốt nhất của Philippines vì nó có thể cung cấp ổn định môt nguồn điện lớn, theo Carlo A. Arcilla, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân Philippines.

Mặt khác, điện mặt trời và điện gió thì “chập chờn” vì phụ thuộc vào thời tiết. 

Nhưng các nhà máy ĐHN cũng hoạt động không linh hoạt, theo Sara Jane Ahmed, một nhà phân tích tài chính năng lượng, cố vấn cho Nhóm 20 dễ bị tổn thương, hay V20, một liên minh gồm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.

Bà nói các nhà máy này không thể đáp ứng được những biến động về nhu cầu năng lượng do các yếu tố như thay đổi thời tiết gây ra, và chúng không thể “tăng giảm đột ngột” để hoạt động với năng lượng tái tạo.

Cũng rất tốn kém để đảm bảo rằng các nhà máy ĐHN được vận hành an toàn ở Philippines vốn nằm trong khu vực hoạt động địa chấn khét tiếng có tên Vành đai lửa, giống như Nhật Bản.

Bert Dalusung, một nhà phân tích tại Viện Khí hậu và Thành phố bền vững, cho biết khi các nhà máy ĐHN ngừng hoạt động - chẳng hạn như do bão - lưới điện có thể bị tê liệt, gây ra tình trạng mất điện.

Ông nói, thay vì một vài nhà máy điện lớn, Philippines cần một “cơ sở hạ tầng năng lượng phân tán” được xây dựng dựa trên nguồn cung cấp dồi dào các nguồn năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt.

Người phản đối nhà máy nói các rủi ro mất an toàn hạt nhân vẫn còn đó

Các chính khách đại diện vùng Bataan liên tục khẳng định với cử tri của họ, rằng họ không ủng hộ kế hoạch phục hồi nhà máy ĐHN Bataan.

Một số chuyên gia năng lượng không bảo đảm ĐHN sẽ có lợi cho Philippines, nhưng tiếng nói của họ ngày càng bị át đi. Sau khi nhà máy ĐHN Bataan bị đóng cửa, đã có 4 dự án nhà máy điện chạy than xây trong vùng và bất chấp sự phản đối của người dân địa phương, theo bà Veronica Cabe, một thành viên tổ chức Phong trào Bataan không hạt nhân/than.

Bà cho biết với danh nghĩa tạo nguồn điện cho quốc gia, các ngôi làng đã bị giải tỏa và nguồn nước bị ô nhiễm.

Những người ngày xưa từng tuần hành phản đối nhà máy cũng đang vận động lập lại sự phản đối.

Dante Ilaya, 68 tuổi, từng là một luật sư trẻ hồi những năm 1980 và tuần hành phản đối nhà máy vì nguy cơ không an toàn. Ông cho rằng những rủi ro vẫn chưa mất đi và có thể tăng cao hơn nữa.

Ilaya cùng một số lãnh đạo cộng đồng Bataan đang cố gắng lên tiếng phản đối việc tái hoạt động của nhà máy nhưng họ không dám chắc liệu có còn tầm ảnh hưởng như hồi 40 năm trước, hay không.

Hồi năm 2008, IAEA nói nhà máy ĐHN Bataan cần được “đánh giá thấu đáo” trước khi có thể cho phép tái hoạt động. Một nghiên cứu gần đây cũng kết luận để tái hoạt động thì nhà máy cần số kinh phí 1 tỉ USD.

Không riêng Philippines, nhiều nước trên thế giới đang đánh giá ĐHN là nguồn năng lượng duy nhất, theo Henri Paillere, Trưởng ban kế hoạch ở Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA).

Vào tháng 10.2022, Đức cũng đã gia hạn tuổi thọ của các nhà máy ĐHN sau khi từng hứa sẽ đóng cửa chúng; Pháp đang dựng các lò phản ứng hạt nhân mới còn Nhật Bản gần đây tuyên bố sẽ tăng nhiều nhà máy ĐHN, là những ví dụ.

Paillere nói: “Chúng ta không thể chuyển đổi qua năng lượng sạch mà không dùng ĐHN. Nhưng điều đó không có nghĩa từng quốc gia đều cần đến ĐHN”.

Ông cho biết, có ít nhất 30 quốc gia - đa phần là các nền kinh tế mới nổi - đang tìm hiểu khả năng sử dụng ĐHN, nhưng không có nhiều nước chịu một sức ép lớn như Philippines.

Bảo Vĩnh