Ngấm đòn trừng phạt của Mỹ, Huawei có hồi sinh trong năm 2023?
Thế giới số - Ngày đăng : 10:50, 29/01/2023
Các nhà phân tích lạc quan rằng điều đó có khả năng xảy ra, nhưng vẫn chưa rõ liệu gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc có thể xây dựng được một nền tảng cho tăng trưởng toàn cầu bền vững dựa trên số hóa cơ sở hạ tầng hay không.
Sau khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt thương mại vào năm 2019, Huawei (đặt trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) đã có nhiều nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình, dẫn đầu là những cam kết sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống trong nước và chính phủ số hóa, sử dụng năng lực của mình ở 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và các công nghệ khác.
Ví dụ về những nỗ lực này là một cảng thông minh tự động ở Thiên Tân, thành phố ven biển phía đông nam Bắc Kinh, mà Huawei đã giới thiệu với giới truyền thông trong tháng này. Tại đây, Huawei hợp tác với những người khác xây dựng một nhà ga hoàn toàn tự động. Theo đó, các cần cẩu container có thể tự động di chuyển hàng hóa cùng các phương tiện có thể tự chạy và sạc.
Theo Huawei, chỉ khi hệ thống gặp sự cố không thể xử lý trong hệ thống vận chuyển ngang không người lái của mình (xác suất xảy ra là 0,5% hoặc thấp hơn), thì nó mới phát tín hiệu yêu cầu sự can thiệp từ xa của con người.
Matthew Ball, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Canalys, cho biết những nỗ lực từ Huawei nhằm củng cố mối quan hệ sâu sắc hơn với các ngành công nghiệp truyền thống được xây dựng dựa theo công việc trước đây của họ với các doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu, tận dụng khả năng tính toán và kết nối 5G để tự động hóa và nâng cấp các ngành dọc khác nhau.
Ngành dọc chỉ những cơ quan mà chức năng của nó có liên quan đến tất cả cơ quan ban ngành khác.
“Nhìn chung, đây là phần mở rộng của những gì Huawei đã làm trong nhiều năm, ngay cả trước khi có lệnh trừng phạt từ Mỹ. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh doanh nghiệp tập trung mạnh vào việc cung cấp các giải pháp trong danh mục đầu tư của mình. Chỉ là mảng kinh doanh smartphone của họ từng nhận được sự chú ý nhiều hơn”, Matthew Ball bình luận.
Huawei bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) hồi năm 2019 vì lý do an ninh quốc gia. Mảng kinh doanh smartphone sinh lợi một thời của Huawei đã gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã chặn công ty Trung Quốc tiếp cận với các chip tiên tiến. Đến quý 3/2022, Huawei cuối cùng đã sử dụng hết các chất bán dẫn tự thiết kế kém tiên tiến hơn cho smartphone của mình.
Là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa của mình, Huawei đã thành lập “quân đoàn” vào tháng 10.2021. Các nhóm liên bộ phận này tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số cho khai thác thông minh, hải quan và cảng, công nghệ giảm tiêu thụ năng lượng tại các trung tâm dữ liệu, hệ thống thông minh cho đường cao tốc và ngành công nghiệp quang điện.
Ngoài việc hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống, Huawei cũng có một bước đột phá vào lĩnh vực ô tô điện (EV) với sự ra mắt nổi bật của ô tô Aito, một thương hiệu trình làng cùng nhà sản xuất ô tô điện Seres (Trung Quốc).
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này rất gay gắt ở Trung Quốc. Huawei chỉ xếp thứ 6 trong số các công ty mới nổi về ô tô điện của nước này với tổng số 76.180 chiếc vào cuối năm 2022. Huawei cũng thiết lập mối quan hệ với hàng loạt nhà sản xuất cung cấp linh kiện ô tô thông minh. Song, những nỗ lực này chỉ cố gắng “cầm máu cho vết thương” phần nào.
Sau khi báo cáo hiệu suất bán hàng tồi tệ nhất từ trước đến nay vào năm 2021 với mức sụt giảm 29%, Huawei dự kiến sẽ báo cáo doanh thu 636,9 tỉ nhân dân tệ (91,5 tỉ USD) cho năm 2022, về cơ bản không thay đổi so với 2021.
Huawei cho biết đã thoát khỏi “tình trạng khủng hoảng và sẽ trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường” vào năm 2023, theo lời Chủ tịch luân phiên Eric Xu trong thông điệp năm mới.
Theo Matthew Ball từ Canalys, trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei “đã hoạt động tốt để báo cáo mức tăng trưởng không đổi” vào năm 2022. Tuy nhiên, các thỏa thuận dịch vụ với các công ty Trung Quốc có thể không đủ để Huawei hồi sinh những ngày vinh quang trong quá khứ, khi hãng này mở rộng mạnh mẽ trên toàn cầu với các giải pháp thiết bị viễn thông đáng tin cậy, tiết kiệm chi phí.
Trong một thời gian ngắn, Huawei từng nhanh chóng vượt qua Apple và Samsung Electronics để trở thành nhà cung cấp thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới, trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ làm giảm doanh số bán hàng và những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan khiến các hợp đồng 5G lớn tại đơn vị vận chuyển của họ bị hủy bỏ.
Vài năm qua, Mỹ đã nỗ lực ngoại giao để thuyết phục các chính phủ phương Tây xem xét kỹ lưỡng hợp đồng thiết bị mạng với Huawei, nêu bật những nguy cơ tiềm ẩn khi các thông tin liên lạc nhạy cảm bị đe dọa bởi một công ty được cho có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Huawei đã liên tục phủ nhận mối liên kết này.
Matthew Ball cho biết: “Khi tiến lên phía trước, những giao dịch lớn này tại quê nhà sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Huawei cũng cần mở rộng và nhân rộng chúng ra quốc tế để không phụ thuộc vào thị trường địa phương”.
Cảng Thiên Tân không phải là dự án chuyển đổi kỹ thuật số duy nhất mà Huawei đang thực hiện. Vào tháng 6.2021, Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải đã khởi động dự án trung tâm chỉ huy và điều khiển thông minh. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ mạng quang học để điều khiển từ xa tập trung tại các cảng, với sự hỗ trợ của Huawei và các đối tác khác.
Trong một sự kiện truyền thông vào tháng 1, Yue Kun, Giám đốc công nghệ tại Khối Kinh doanh Đường bộ, Đường thủy & Cảng thông minh của Huawei, nói ông tin rằng công việc của họ ở cảng Thiên Tân có thể được áp dụng cho các cảng khác tại Trung Quốc.
“Trong 6 tháng qua, hàng chục nghiên cứu sinh về cảng đã đến thăm dự án của chúng tôi tại cảng Thiên Tân… Chúng tôi cũng đang thảo luận về việc hợp tác. Nguyên tắc của chúng tôi là hoan nghênh họ sử dụng phương pháp tiếp cận của chúng tôi nếu điều đó phù hợp với thiết bị đầu cuối của họ”, Yue Kun nói thêm rằng các cảng sử dụng phương pháp số hóa rất khác sẽ khó có thể là khách hàng tiềm năng.
Hao Fei, Giám đốc dự án của Huawei Team Transformation Support Office (Đội ngũ hỗ trợ chuyển đổi văn phòng Huawei), nói với các phóng viên tại cùng một sự kiện truyền thông rằng công nghệ 5G phù hợp với kế hoạch số hóa của nhiều ngành.
“Chúng tôi đã chọn nhiều ngành trong khối doanh nghiệp và khối chính phủ chứ không chỉ hải quan, cảng biển… 5G là công nghệ có băng thông lớn, độ trễ thấp và kết nối rộng”, Hao Fei nói.
Đến nay, Huawei vẫn chưa cung cấp bất kỳ chi tiết tài chính nào về dự án cảng Thiên Tân của mình. Yue Kun cho biết những loại dự án này là vì lợi nhuận dài hạn, có thể không liên quan đến lợi nhuận ngắn hạn.
Tuy nhiên, dự án cảng Thiên Tân mang đến một cái nhìn hiếm hoi về cách Huawei làm việc với các ngành công nghiệp truyền thống những năm gần đây bằng “quân đoàn” của mình, nỗ lực bắt đầu từ mối quan hệ đối tác cấp cao với các mỏ than do người sáng lập công ty - Nhậm Chính Phi xác nhận vào năm 2021.
Tại tỉnh Thái Nguyên, thủ phủ trung tâm than Sơn Tây phía bắc Trung Quốc, Nhậm Chính Phi nói với các phóng viên rằng ngành khai thác mỏ sẽ là ngành đầu tiên sử dụng mô hình mà các nhà khoa học và chuyên gia từ các bộ phận khác nhau của công ty có thể cùng nhau tìm ra giải pháp cho các vấn đề cụ thể trong ngành.
Mô hình "quân đoàn" đã được đẩy ra thị trường quốc tế. Tháng 6.2021, Huawei cung cấp giải pháp 5G cho một mỏ bạch kim ở Nam Phi thông qua quan hệ đối tác với một công ty con địa phương của Zijin Mining Group (hãng khai thác đa quốc gia ở Trung Quốc).
Tuy nhiên, Mark Natkin, Giám đốc điều hành hãng Marbridge Consulting tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết việc đẩy mạnh kinh doanh ra nước ngoài này sẽ đối mặt với những rủi ro tương tự mà hoạt động kinh doanh vận tải của Huawei phải chịu đựng những năm gần đây.
Mark Natkin nói: “Bên ngoài Trung Quốc, một số nỗ lực của ‘quân đoàn’ liên bộ phận của Huawei vẫn có thể phải đối mặt với hàng loạt mối lo ngại đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh nhà mạng của Huawei. Các chính phủ nước ngoài đã cấm các nhà khai thác viễn thông của họ mua thiết bị Huawei do các cân nhắc về an ninh quốc gia. Họ cũng có khả năng chọn không sử dụng các giải pháp của công ty Trung Quốc này trong các lĩnh vực khác thuộc cơ sở hạ tầng quốc gia, như cảng hoặc đường cao tốc”.