Tháng đầu năm 2023, gần 35.000 doanh nghiệp ngừng kinh doanh

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:16, 29/01/2023

Trong tháng 1.2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1.2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 99,1 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 68,6 nghìn lao động.

Con số này tăng 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với tháng 12.2022; so với cùng kỳ năm trước, giảm 16,6% về số doanh nghiệp, giảm 48,5% về số vốn đăng ký và giảm 11% về số lao động.

Ngoài ra, cả nước có 15,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 146,8% so với tháng 12.2022 và giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1.2023 lên 25,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, tháng 1.2023 có 125 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 43,9% so với tháng 1.2022; 2.540 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 22,9%; 8.178 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 13,8%.

Cũng trong tháng 1.2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%.

Về hoạt động đầu tư, báo cáo cho hay trong tháng 1.2023 tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2023, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.

dn.jpg
Số doanh nghiệp đóng cửa trong tháng 1 tăng mạnh, gấp 3 lần doanh nghiệp thành lập mới

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4% so với kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 3,1 lần cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 1.2023 ước đạt 27 nghìn tỉ đồng, bằng 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 4,4% và tăng 12,4%), trong đó bao gồm:

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.1.2023 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỉ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 153 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 1,2 tỉ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1%; các ngành còn lại đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%.

Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1.2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 89 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 306,3 triệu USD, giảm 75,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 660,8 triệu USD, chiếm 43,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 606,4 triệu USD, chiếm 40,1%; các ngành còn lại đạt 244 triệu USD, chiếm 16,2%.

Hoài Lam