Mỹ 'bật đèn xanh' gửi tiêm kích cho Ukraine, Đức nhất quyết từ chối
Quốc tế - Ngày đăng : 09:45, 30/01/2023
Theo Politico, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tagesspiegel hôm 29.1, ông Scholz nói: “Vấn đề về máy bay chiến đấu hoàn toàn không nảy sinh. Tôi chỉ có thể khuyên rằng không nên tham gia vào một cuộc cạnh tranh liên tục liên quan tới việc cung cấp các hệ thống vũ khí”.
Thủ tướng Scholz tuần trước cũng đã loại trừ việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, với lý do cần phải ngăn chặn sự leo thang quân sự hơn nữa. “Sẽ không có việc giao máy bay chiến đấu cho Ukraine”, ông nói hôm 24.1.
Bình luận mới nhất của nhà lãnh đạo Đức được đưa ra sau khi Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ rằng, Kyiv và các đồng minh phương Tây đang tham gia vào các cuộc đàm phán “nhanh chóng” về khả năng gửi máy bay quân sự cũng như tên lửa tầm xa để giúp chống lại Nga.
Ông Podolyak cho biết, một số đối tác có thái độ "bảo thủ" đối với việc chuyển giao vũ khí. Không nêu tên bất kỳ đối tác nào, ông cho biết thái độ này là “do lo sợ về những thay đổi trong cấu trúc quốc tế”.
Đáng chú ý, tờ Politico hôm 29.1 đưa tin, các quan chức Mỹ đang “âm thầm thúc đẩy” Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) chấp thuận chuyển giao các tiêm kích F-16 cho Ukraine. Một quan chức Lầu Năm Góc và hai nguồn thạo tin khác cho biết, chiến dịch vận động ở Bộ Quốc phòng về việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine đang “dần đạt được động lực”.
Theo nguồn tin của Politico, Mỹ có thể mất “vài tuần” để đưa ra quyết định về việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine hay phê duyệt việc tái xuất khẩu F-16 từ các quốc gia khác sang Kyiv. Các nỗ lực này được cho là thúc đẩy bởi quyết định gửi xe tăng M1 Abrams và hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine mà Washington đưa ra cách đây không lâu.
Trong khi Đức phát đi tín hiệu rõ ràng rằng sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 25.1 tuyên bố rằng Washington đang “thảo luận liên tục” với Kyiv về khả năng quân sự của họ.