IMF: Triển vọng kinh tế toàn cầu ít ảm đạm hơn

Chuyển động - Ngày đăng : 12:46, 31/01/2023

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 30.1 đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ 3,4% năm 2022 xuống còn 2,9% năm 2023 – tăng so với dự báo 2,7% đưa ra tháng 10 năm ngoái.

IMF sở dĩ nâng dự báo là vì Trung Quốc “đột ngột mở cửa trở lại” mở đường cho hoạt động kinh tế phục hồi nhanh chóng, sự phục hồi bất ngờ của nhiều nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022, điều kiện tài chính toàn cầu cải thiện nhờ lạm phát bắt đầu hạ nhiệt và đồng USD yếu đi.

Theo Giám đốc nghiên cứu của IMF Pierre-Olivier Gourinchas: “Triển vọng ít ảm đạm hơn so với dự báo tháng 10, có thể báo hiệu một bước ngoặt với tăng trưởng, chạm đáy cùng lạm phát giảm”.

global.jpg
Trung Quốc mở cửa trở lại mở đường cho hoạt động kinh tế phục hồi nhanh chóng - Ảnh: Head Topics

Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh tăng trưởng năm 2023 vẫn yếu so với tiêu chuẩn lịch sử. Mức tăng trung bình năm giai đoạn 2000-2019 là 3,8%.

Các ngân hàng trung ương sẽ cần tiếp tục chiến dịch giảm lạm phát, dẫn đến hoạt động kinh tế chậm lại. IMF dự đoán 9 trong 10 nền kinh tế tiên tiến có khả năng giảm tốc tăng trưởng.

Tăng trưởng của Mỹ có thể giảm từ 2% năm 2022 xuống còn 1,4% năm 2023. Khu vực sử dụng đồng euro (20 quốc gia) giảm từ 3,5% xuống 0,7%.

Kinh tế Anh dự kiến sụt giảm 0,6%, trở thành nước G7 duy nhất ghi nhận sụt giảm. Tăng trưởng của Trung Quốc tăng từ 3% năm 2022 lên 5,2% năm 2023.

Về lạm phát, IMF ghi nhận xu hướng chung ở đa số quốc gia là lạm phát hạ nhiệt ngay cả khi giá hàng hóa dịch vụ ngoài thực phẩm và năng lượng chưa đạt đỉnh. Dữ liệu thường niên cho thấy lạm phát ở Mỹ đã chạm đỉnh vào tháng 6 năm ngoái, lạm phát ở châu Âu giảm kể từ tháng 10.

IMF dự báo lạm phát toàn cầu giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% năm 2023 và 4,3% năm 2024.

Đồng USD yếu đi kể từ tháng 11 giúp ích cho các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Trước đó đồng USD mạnh khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đồng thời làm tăng chi phí trả lãi một số khoản vay.

IMF khuyến cáo rủi ro vẫn còn. Trung Quốc có thể mất đà phục hồi nếu làn sóng dịch bệnh trong tương lai lại khiến người dân phải ở nhà hoặc làm lĩnh vực bất động sản tăng trưởng chậm lại. Lạm phát có thể ở mức cao lâu hơn mong muốn của các ngân hàng trung ương nên chính sách thắt chặt tiền tệ phải kéo dài. Cuộc chiến tại Ukraine nếu leo thang sẽ khiến thị trường thực phẩm và năng lượng gián đoạn hơn nữa.

Cẩm Bình