Châu Phi phát triển xe điện nội địa nhằm giảm khí thải
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:29, 31/01/2023
Hamba là một loại xe 3 bánh chạy bằng điện hiện phổ biến ở những vùng nông thôn nghèo như vùng Wedza ở phía đông Zimbabwe. Xe này dùng để chở người và hàng hóa, thậm chí trở thành trung tâm tiêm phòng vắc xin di động trong thời gian vận động tiêm ngừa phòng dịch COVID-19.
Susan Chapanduka, một nữ nông ở Wedza đã sử dụng hamba trong di chuyển và công việc hàng ngày. Hành trình chở hàng ra chợ bán của bà nhanh và rẻ hơn trước kia, thời mà bà phải thuê xe bò hoặc xe cút kít với giá đắt đỏ, di chuyển chậm hơn và mất nhiều công sức hơn.
Và với việc sử dụng hamba, bà có khoản dư tiền đóng học phí cho con cái và mua phân bón cây trồng, rau trái.
Xe hamba được Công ty Cơ động vì châu Phi (Mobility for Africa) đóng ở thủ đô Harare của Zimbabwe bán. Theo người đứng đầu công ty là Shantha Bloemen, xe điện đóng vai trò chính yếu trong việc chống biến đổi khí hậu.
Ông trình bày ý tưởng: “Nếu quý vị nghĩ về vận chuyển xanh và điện và không phải nhập khẩu dầu thô đắt tiền và bẩn, thì quý vị có thể chuyển hóa các vùng nông thôn và xây dựng nền kinh tế sống động cho địa phương”.
Cách đây 3 năm, Mobility for Africa tung ra chương trình thí điểm cho thuê xe điện hamba ở vùng nông thôn Wedza, nhằm chứng minh với các nhà đầu tư tiềm năng rằng ý tưởng trên là đáng tin cậy. Trong 50 xe, mỗi xe được một nhóm nữ nông dân thuê sử dụng chung, với giá thuê khoảng 15 USD/tháng cộng thêm chút phí cho mỗi lần sạc pin.
Xe điện đang phổ biến ở châu Phi
Không chỉ có hamba, nhiều loại xe điện khác đang dần phổ biến tại nhiều khu vực ở châu lục đen, tuy nhiên, chúng không giống các loại xe điện đang chạy ở Bắc bán cầu.
Các yếu tố kinh tế là giá nhiên liệu cao trong khi pin và bảng pin điện có giá thấp hơn đang khiến xe điện có sức hút ở châu Phi, theo giải thích của Marah Koberle, một chuyên gia về xe điện châu Phi của tổ chức Siemens Foundation (Đức).
Giải thích này rất đúng với xe gắn máy đang có nguồn cầu sử dụng cao để chạy các hành trình ngắn ở các thành phố châu Phi. Ví dụ ở thủ đô Kigali của Rwanda có khoảng 26.000 “xe gắn máy ôm”.
Để đạt mục tiêu đối phó biến đổi khí hậu, chính phủ Rwanda điện hóa 30% số “xe ôm” đó cuối thập niên này, với sự hợp tác của các cơ quan Liên Hợp Quốc.
Nhiều công ty khởi nghiệp mở ra với hoạt động chủ yếu là tháo bỏ các động cơ cũ khỏi xe gắn máy để lắp đặt động cơ chạy điện. Rwanda Electric Mobility là một trong số công ty khởi nghiệp như vậy. Cho đến nay, công ty này đã lắp đặt động cơ điện cho 125 xe gắn máy.
Trưởng nhánh kỹ thuật Maxim Mutuyeyezu của Rwanda Electric Mobility nói: “Loại xe này không cần thay dầu, bảo trì dây sên, tiết kiệm được rất nhiều tiền cho người lái”.
Bà Koberle của Siemens Foundation đang giám sát một dự án thí điểm sử dụng xe hai bánh điện ở miền tây Kenya. Bà cho biết, một số người lái đã có thể tăng 30% khoản tiết kiệm do không còn phải chi phí nhiều cho các loại động cơ đốt trong.
Trong các dự án xe hai bánh điện ở Kenya, Rwanda... thì pin được đổi. Điều này cho phép người lái không mất thời gian sạc. Họ chỉ việc giao pin hết điện tại một trạm đổi pin và nhận lấy một pin đã sạc đầy, một việc tiết kiệm thời gian giống như khi bạn đổ xăng.
Số pin này vẫn là tài sản của công ty, còn người lái không phải tốn tiền mua pin vốn là món đắt tiền nhất của xe điện hai bánh.
Xe buýt điện gắn bảng pin điện mặt trời trên nóc
Mặc dù vậy, việc đổi pin chỉ thích hợp cho xe nhỏ mà không dễ thực hiện cho xe lớn hơn. Đó là lý do Công ty Kiira Motors (ở Uganda) tung ra ý tưởng sáng tạo là sử dụng điện mặt trời cho xe buýt, tận dụng thuận lợi Uganda nằm dọc đường xích đạo và mặt trời chiếu sáng suốt 8 giờ/ngày trong suốt năm.
Một bảng pin mặt trời đặt trên nóc xe buýt 49 chỗ có thể giúp xe này chạy tối đa 300 km, đủ cho một ngày chạy xe, theo giải thích của Allan Muhumuza, Giám đốc tiếp thị của Kiira Motors.
Tuy nhiên, xe buýt điện còn hiếm ở châu Phi. Năm ngoái mới chỉ có 2 chiếc chạy ở thủ đô Nairobi của Kenya.
Kiira Motors dự tính từ cuối năm 2023 sẽ mở một tuyến xe buýt điện mới với 140 xe, nhằm kéo giảm tình trạng ách tắc giao thông ở thủ đô Dakar của Senegal.
Ngoài ra, ở cách xa các thủ đô còn có một sáng tạo khác. Tại thành phố Maiduguri (đông bắc Nigeria), nhà thầu Mustapha Gajibo tự đóng một xe buýt điện được trang bị bảng pin mặt trời với 12 chỗ ngồi có thể chạy tối đa 200 km. Tham vọng của Mustapha Gajibo là trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu không chỉ ở Nigeria, mà còn là trên toàn thế giới.
Xe điện có những lợi ích lợi rõ ràng: không phát khí thải, không tác động xấu đến thời tiết và sức khỏe của cư dân. Bà Koberle còn nhìn ra một lợi ích khác, đó là xe điện còn thu hút được sự chú ý vào việc quảng bá cho các thương hiệu “Sản xuất tại châu Phi".