Viên phóng xạ bị thất lạc ở Úc nguy hiểm thế nào?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:15, 31/01/2023
Một viên chứa chất phóng xạ Caesium-137 nguy hiểm có kích thước 8 x 6mm, được sử dụng trong các hoạt động khai thác mỏ, đã bị thất lạc kể từ giữa tháng 1 trên quãng đường dài khoảng 1.400km giữa thị trấn hẻo lánh Newman và vùng ngoại ô ở phía bắc thành phố Perth (Úc).
Công ty khai thác mỏ Rio Tinto đã đưa ra lời xin lỗi hôm 30.12 và cho biết họ đang nỗ lực cùng chính quyền bang trong việc tìm kiếm viên chứa chất phóng xạ.
Do kích thước nhỏ bé của viên chứa phóng xạ và phạm vi tìm kiếm khá rộng lớn, các nhà chức trách cảnh báo cơ hội tìm thấy rất mong manh. Có nhiều lo ngại về việc nó có thể đã được mang đi xa hơn khỏi khu vực tìm kiếm, tạo ra nguy cơ sức khỏe cho bất kỳ ai gặp phải nó trong 300 năm tới.
Chưa biết vì sao thất lạc?
Theo kế hoạch ban đầu, thiết bị được vận chuyển bằng xe tải từ một khu mỏ gần thị trấn Newman đến khu ngoại ô phía bắc thành phố Perth với tổng quãng đường hơn 1.200km.
Chiếc xe tải rời khỏi khu mỏ của tập đoàn Rio Tino vào ngày 11.1 và đến kho ở Malaga ở Perth vào ngày 16.1. Tuy nhiên, đến ngày 25.1, giới chức Úc mới nhận được báo cáo từ tập đoàn Rio Tino cho biết không thấy viên phóng xạ trong quá trình kiểm kê.
Viên phóng xạ nguy hiểm như thế nào?
Các chuyên gia đã cảnh báo Caesium-137 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người tiếp xúc với nó, bao gồm: bỏng da do tiếp xúc gần, bệnh phóng xạ và nguy cơ ung thư chết người, đặc biệt đối với những người vô tình tiếp xúc nó trong thời gian dài.
Radiation Services WA, một công ty cung cấp lời khuyên về bảo vệ bức xạ, cho biết việc đứng cách viên phóng xạ trong vòng 1 mét trong một tiếng đồng hồ sẽ tạo ra khoảng 1,6 millisievert (mSv), tương đương với khoảng 17 lần chụp X-quang ngực tiêu chuẩn.
Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng việc nhặt viên phóng xạ sẽ gây ra "tổn thương nghiêm trọng" cho ngón tay và các mô xung quanh của cơ thể con người.
Ivan Kempson, Phó giáo sư vật lý-sinh học tại Đại học Nam Úc, cho biết trường hợp xấu nhất sẽ là một đứa trẻ tò mò nhặt viên phóng xạ và bỏ vào túi.
Kempson nói: "Điều này rất hiếm nhưng có thể xảy ra và đã xảy ra trước đây. Đã có một số ví dụ về việc những người tìm thấy những thứ tương tự và bị nhiễm độc phóng xạ, nhưng những thứ ấy mạnh hơn nhiều so với viên phóng xạ đang bị mất tích".
Vì sao đây là sự cố kỳ lạ?
Vụ thất lạc trên đã gây sốc cho các chuyên gia khi họ cho rằng việc xử lý các vật liệu phóng xạ như Caesium-137 được quản lý chặt chẽ với các quy trình nghiêm ngặt về vận chuyển, lưu trữ và xử lý chúng.
Rio Tinto cho biết họ thường xuyên vận chuyển và lưu trữ hàng hóa nguy hiểm như một phần trong hoạt động kinh doanh của mình và thuê các nhà thầu chuyên nghiệp để xử lý các vật liệu phóng xạ. Trong một tuyên bố, viên phóng xạ là một phần của máy đo mật độ được sử dụng tại khu mỏ Gudai-Darri để đo mật độ của quặng sắt cấp trong mạch nghiền.
Dịch vụ bức xạ WA cho biết các chất phóng xạ được vận chuyển khắp vùng Tây Úc hằng ngày mà không gặp bất kỳ sự cố nào. Trong trường hợp này, dường như có sự lỏng lẻo trong các biện pháp kiểm soát thường được thực hiện.
Pradip Deb, giảng viên kiêm nhân viên an toàn bức xạ tại Đại học RMIT ở Melbourne (Úc) cho biết việc viên phóng xạ thất lạc là "rất bất thường" vì các quy tắc an toàn của Úc yêu cầu chúng phải được vận chuyển trong hộp bảo vệ cao.
Rio Tinto cho biết tên của công ty hậu cần được sử dụng để vận chuyển thiết bị này chưa được tiết lộ.
Quy trình tìm kiếm diễn ra thế nào?
Các nhà chức trách đang cố gắng tìm kiếm viên phóng xạ bằng thiết bị phát hiện bức xạ chuyên dụng được trang bị để tìm kiếm các phương tiện giao thông khi lên và xuống đường cao tốc theo cả hai hướng với tốc độ 50 km/giờ.
Các nhà chức trách đã cảnh báo người dân không đến gần viên phóng xạ nếu phát hiện ra nó trong phạm vi 5 mét, nhưng thừa nhận rằng sẽ khó nhìn thấy nó từ xa.
Song có những lo ngại rằng viên phóng xạ có thể không còn nằm trong khu vực tìm kiếm nữa. Các nhà chức trách cho biết nó có thể đã bị mắc kẹt trong kẽ lốp của một phương tiện giao thông và bị mang đi tới một khoảng cách xa hơn, hoặc thậm chí bị động vật hoang dã, chim chóc mang đi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu viên phóng xạ không được tìm thấy?
Chất phóng xạ Caesium-137 có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, nghĩa là sau 3 thập niên, độ phóng xạ của viên phóng xạ sẽ giảm đi một nửa và sau 60 năm nó sẽ lại giảm đi một nửa nữa.
"Caesium-137 thường là một nguồn kín, điều này nghĩa là nếu nó không bị vỡ, nó sẽ không làm ô nhiễm đất hoặc môi trường… Nếu viên phóng xạ không bao giờ được tìm thấy, nó sẽ không gây ô nhiễm hoặc truyền phóng xạ vào đất xung quanh", Deb nói thêm.
Kempson (Đại học Nam Úc) nói rằng nếu viên phóng xạ thất lạc trong một khu vực biệt lập, thì "rất khó có thể gây ra nhiều tác động".