Báo Mỹ: Washington muốn đẩy Nga vào bàn đàm phán trong cuộc chiến Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 16:49, 01/02/2023

Theo Bloomberg, cuộc chiến ở Ukraine đang bước sang một giai đoạn mới và chiến lược của Mỹ đang trải qua một bước chuyển quan trọng.

Những lo lắng về sự leo thang hạt nhân của Nga đang giảm dần khi lo ngại về một cuộc chiến tranh lâu dài với sự tiêu hao không ngừng gia tăng. Do đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tăng cường hỗ trợ cho Ukraine với hy vọng tạo ra một giải pháp ngoại giao cuối cùng, buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán - một chiến lược “leo thang để giảm leo thang”.

Trong 6 tháng đầu tiên của cuộc chiến, Nga nắm thế chủ động. 5 tháng sau đó, Ukraine đã nắm lại thế chủ động. Tuy nhiên, bây giờ thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và bên nào có lợi thế hơn bởi cả Nga và Ukraine đều phải đối mặt với sự tổn thất không nhỏ trên chiến trường cũng như đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới.

biden-233.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ tin rằng đồng minh tốt nhất của ông là thời gian. Việc Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine, giữ được lợi thế trên chiến trường, có lẽ sẽ khiến trận chiến kéo dài, mà nhân lực vượt trội của Nga sẽ mang tính quyết định.

Trong khi đó, Ukraine coi thời gian là kẻ thù của mình. Kyiv phải khai thác tình trạng các lực lượng trang bị kém của Nga ngay bây giờ, trước khi quân đội Nga được huy động bổ sung đến chiến trường, và cả trước khi sự hỗ trợ từ những nước ủng hộ phương Tây giảm bớt.

Do đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden chỉ lạc quan một cách thận trọng về triển vọng của Ukraine. Tờ Bloomberg nhận định Mỹ đang cập nhật chiến lược của mình theo 3 cách.

Đầu tiên, cần xác định rõ hơn các mục tiêu chiến tranh của Mỹ. Vào tháng 12, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố rằng Mỹ cam kết giúp Ukraine chiếm lại các vùng đất bị Nga kiểm soát kể từ tháng 2.2022, nhưng không nhất thiết là toàn bộ lãnh thổ. Mục tiêu của Washington là hỗ trợ Ukraine có khả năng phòng thủ về quân sự, độc lập về chính trị và kinh tế. Những điều này không nhất thiết bao gồm cả việc giành lại kiểm soát các khu vực khó khăn như phía đông Donbas hay Crimea.

Thứ nhì, Mỹ và các đồng minh đang gửi cho Ukraine những vũ khí tinh vi hơn: xe bọc thép, tên lửa Patriot và xe tăng có thể xuyên thủng hàng phòng thủ nhiều lớp của Nga. Washington cũng đang tiến tới việc cung cấp các loại đạn tầm xa hơn có thể nghiền nát các khu vực phía sau của Nga: Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất có tầm bắn gần gấp đôi so với các loại đạn HIMARS mà lực lượng Ukraine đang sử dụng.

Thứ ba, Biden có thể không hỗ trợ Ukraine chiếm lại Crimea từ Nga bằng vũ lực, nhưng ông được cho là đã ủng hộ các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Nga ở đó.

Các chuyến hàng ồ ạt vũ khí tinh vi của phương Tây chuyển cho Ukraine chỉ nhằm tránh sự bế tắc kéo dài và đưa Nga đến bàn đàm phán.

Mỹ không muốn chiến tranh kéo dài bởi vì nó đang biến phần lớn Ukraine thành một vùng đất hoang tàn, gây thiệt hại cho các kho bạc, kho vũ khí và sự chú ý của phương Tây. Vì vậy, chính quyền Biden đặt mục tiêu giúp Ukraine giảm bớt áp lực, thay đổi đường lối có lợi hơn cho Kyiv, như một con đường dẫn đến đàm phán sau khi giai đoạn tiếp theo của cuộc giao tranh kết thúc.

Hoàng Vũ