Hàng nghìn người đến chiêm ngưỡng lễ hội cầu ngư ở Huế
Văn hóa - Ngày đăng : 21:30, 01/02/2023
Đã thành thông lệ, cứ "tam niên đáo lệ" (tức 3 năm 1 lần), người dân làng Thai Dương Hạ long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư với nhiều hoạt động như phát khăn đỏ, nghinh Thần hoàng quanh làng, hát bộ... Lễ hội là ngày hội văn hóa của cả cộng đồng nhằm cổ vũ cho ngư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước.
Năm nay, lễ hội cầu ngư được tổ chức vào ngày 1.2 (nhằm ngày 11 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự, bởi ba năm trước đó lễ hội truyền thống này không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Có từ hàng trăm năm trước, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ngay từ sáng sớm, tại không gian rộng lớn nhìn ra mặt nước phá Tam Giang, lễ hội đã được diễn ra với hoạt cảnh tái hiện sinh động các hoạt động ngư nghiệp, thể hiện ước mong một mùa vụ mới tôm cá đầy thuyền, ra khơi đánh bắt bình an.
Sau phần tái hiện hoạt cảnh, đông đảo người dân và du khách cùng xem hội đua ghe ngay trên phá Tam Giang. Tiếng trống, tiếng kèn, hò reo cổ vũ vang lên liên hồi như chào mừng một chuyến ra khơi thắng lợi.
Thông thường hội đua ghe diễn ra nhiều giải từ sáng đến chiều. Mở đầu là giải cúng với phần thưởng là mâm cau trầu rượu, kết thúc là giải phá với phần thưởng là các dải lụa đỏ, xen giữa là các cuộc đua với giải thưởng là tiền mặt.
Lễ hội kết thúc khi hoàn tất giải phá vào xế chiều, chấm dứt một lễ hội mùa xuân tưng bừng náo nhiệt và mở đầu một năm lao động nhiều hy vọng. Trước đó một ngày, các bô lão của làng đã thực hiện lễ chánh tế ở đình làng và lễ cung nghinh ngài Thành hoàng đi quanh làng.
Lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ là dịp để nhớ đến công ơn những bậc tiền nhân khai canh của làng, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người sức khỏe để chuẩn bị cho mùa vụ sắp đến.
Thông qua lễ hội đã phản ánh được đời sống đạo đức, trí tuệ, tinh thần của ngư dân vùng biển. Bên cạnh đó, còn giúp những người ngư dân an tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo. Đây còn là dịp để những người con xa quê được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống và nhớ về nguồn cội tổ tiên.
Được biết, làng văn hóa Thai Dương là một làng cổ, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV. Từ đó đến nay, theo tục lệ cổ truyền của làng, cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, người dân của làng lại tổ chức lễ hội truyền thống cầu ngư.
Trong lịch sử xây dựng và phát triển làng, dưới thời Vua Tự Đức, làng đã được ban tặng một bức hoàng phi với bốn chữ vàng “Văn vật danh hương” gắn liền đình làng Thao Dương, trấn Hải Đài, miếu Âm Linh, là di tích lịch sử văn hóa quý giá, là niềm tự hào của dân làng và các thế hệ con cháu mai sau.