Vì sao phương Tây chưa thống nhất gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine?

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:00, 02/02/2023

Kế hoạch của phương Tây trong việc hỗ trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine đang gặp trở ngại vì lý do hậu cần kỹ thuật và địa chính trị.

Trước câu hỏi liệu có gửi cho Ukraine các máy bay chiến đấu mà nước này đang yêu cầu hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden thẳng thừng nói “không”. Các nhà lãnh đạo ở Đức và Anh cũng lặp lại quan điểm tương tự ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù các quan chức công khai khẳng định tương đối rõ ràng rằng sẽ không có máy bay phản lực nào xuất hiện, song các cuộc thảo luận riêng cho thấy đó thực sự có thể chỉ là vấn đề thời gian.

Tại Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ), các quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận rằng Ukraine sẽ cần phải hiện đại hóa Lực lượng Không quân già cỗi của mình bằng các máy bay chiến đấu mới. Nhưng hiện tại, các quan chức đang tập trung vào việc gửi vũ khí mà Kyiv cần cho cuộc chiến trước mắt.

f-16-my.png
Tiêm kích F-16 của Mỹ - Ảnh: Politico

Những cuộc đàm phán tương tự đang diễn ra ở châu Âu. Các quốc gia như Ba Lan, Hà Lan và Pháp đã bày tỏ sự cởi mở với ý tưởng này, nhưng các quan chức nhấn mạnh rằng còn nhiều việc phải làm để Ukraine có được máy bay chiến đấu.

“Tôi nghĩ đó là một vấn đề có tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi cần thực hiện những gì đã cam kết vào tháng 1 càng sớm càng tốt. Nó thực sự ấn tượng, nhưng thời gian mới là điều cốt yếu”, một nhà ngoại giao cấp cao của Đông Âu cho biết.

Đây là một mô hình đã lặp đi lặp lại đối với liên minh phương Tây kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu. Đức và Mỹ từng khẳng định khó có thể gửi xe tăng hạng nặng cho Kyiv nhưng giờ đây điều này lại là cam kết sâu sắc của phương Tây.

Thế giới đã thay đổi

Khả năng gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine đã có từ những ngày đầu của cuộc chiến. Trong vài tuần sau khi Nga đưa quân tràn qua biên giới Ukraine, chính phủ Ba Lan tuyên bố họ sẵn sàng chuyển các máy bay chiến đấu thời Liên Xô cho Mỹ để sau đó chúng có thể đến tay các phi công Ukraine.

Tuy vậy, các quan chức Mỹ lúc đó cho biết, quá trình huấn luyện quá khó khăn và việc gửi máy bay từ một căn cứ của NATO tới Ukraine có thể gây nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.

Gần một năm sau, nhiều thứ đã thay đổi. Kyiv đã biến thành chiến hào. Một cuộc chiến vốn được dự đoán kéo dài vài ngày hoặc vài tuần nay có thể kéo dài hàng năm trời. Các đồng minh phương Tây đã vượt qua hết lằn ranh đỏ này đến lằn ranh đỏ khác. Vũ khí hạng nặng, pháo, hệ thống tên lửa tầm xa, xe bọc thép - tất cả đã đến Ukraine. Và cuối cùng, trong một thời khắc quan trọng vào tháng trước, các đồng minh đã cùng nhau cam kết cung cấp khoảng 80 xe tăng hiện đại cho Ukraine.

Đột nhiên, ý tưởng về máy bay chiến đấu dường như không quá “xa vời”. Ukraine nắm bắt thời điểm, gia hạn yêu cầu của mình. Động lực dường như đang tăng lên. Sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu dường như đã can thiệp để làm mọi thứ chậm lại.

Sự thận trọng của họ phản ánh những lập luận từ các nhà ngoại giao phương Tây, những người cho rằng không thể gửi máy bay phản lực và đào tạo phi công cho Kyiv kịp thời cho một cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga. Họ cũng lưu ý những chiếc máy bay mới cũng không quan trọng đối với những trận chiến sắp tới.

Một cố vấn quân sự của chính phủ Ukraine cho biết cuộc thảo luận về máy bay phản lực chỉ mới ở “những ngày đầu” và bày tỏ tin tưởng rằng lập trường của phương Tây sẽ phát triển trong những tuần tới.

Ukraine tích cực thúc giục phương Tây gửi tiêm kích

Kyiv đã tập trung nhu cầu của mình vào cái gọi là máy bay phản lực thế hệ thứ tư như F-16 do Mỹ sản xuất, đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1980. Các quan chức quân đội Ukraine ước tính quá trình huấn luyện F-16 có thể kéo dài 6 tháng. Một số quan chức Mỹ nói rằng nó thậm chí có thể chỉ mất từ ba đến bốn tháng đối với các phi công Ukraine dày dạn kinh nghiệm. Trong khi đó, những chiếc F-35 tiên tiến nhất chưa bao giờ có mặt trên bàn đàm phán.

Mặc dù khó có khả năng Mỹ sẽ đồng ý gửi máy bay chiến đấu thuộc biên chế trong quân đội mình, song các quan chức Washington có thể cân nhắc để các quốc gia khác chuyển giao F-16 của họ cho Ukraine, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Một số quốc gia châu Âu có F-16 trong kho, như Hà Lan, đã cho thấy họ sẵn sàng làm điều đó. Pháp cũng đang chuyển sang trang bị cho lực lượng không quân các máy bay Rafale mới, nghĩa là Paris sẽ có các máy bay phản lực cũ hơn mà nước này có thể cung cấp cho Ukraine - những máy bay phản lực không cần sự đồng ý của Mỹ.

Hiện tại, các quan chức phương Tây tập trung hơn vào việc triển khai lực lượng phòng không Ukraine để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng của nước này, cũng như chuẩn bị thiết giáp và pháo binh cho cuộc phản công dự kiến vào mùa xuân.

"Rủi ro lớn nhất là kéo dài xung đột. Đó là lý do tại sao chúng tôi quan tâm đến việc kết thúc chiến tranh nhanh chóng bằng vũ khí",  cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói với Politico hôm 1.2. Ông Rasmussen cho biết các đồng minh phương Tây phải chuyển ngay cho Ukraine mọi thứ nước này cần.

Thời điểm quan trọng tiếp theo trong lịch của các bộ trưởng quốc phòng phương Tây là ngày 14.2, khi họ tập trung tại trụ sở NATO ở Brussels để tham dự một cuộc họp thảo luận về việc vận chuyển vũ khí mới cho Ukraine. Trong khi vấn đề về máy bay phản lực có thể sẽ được đưa ra tại cuộc họp, đây vẫn sẽ được coi là một dự án “dài hạn”. Trọng tâm vẫn là phòng không, xe tăng và đạn dược.

Hoàng Vũ