Mỹ, Nga, Trung triển khai nỗ lực ngoại giao với châu Phi ngay đầu năm

Quốc tế - Ngày đăng : 14:10, 02/02/2023

Tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (ORF) lưu ý Mỹ, Nga cùng Trung Quốc đều tích cực triển khai nỗ lực ngoại giao với châu Phi ngay đầu năm với 3 chuyến thăm cấp cao liên tiếp.

Đầu tiên là tân Ngoại trưởng Tần Cương tiếp nối truyền thống thăm châu Phi đầu năm mới suốt 33 năm của Trung Quốc. Chuyến thăm Ethiopia, Gabon, Benin, Angola, Ai Cập là cơ hội để ông làm quen với lục địa đen trong bối cảnh Trung Quốc giảm cấp các khoản vay và cạnh tranh cường quốc tăng nhiệt.

Đội ngũ quan chức ngoại giao mới cố gắng nhấn mạnh Trung Quốc không coi châu Phi là “đấu trường cạnh tranh”, mà là “sân khấu lớn cho hợp tác quốc tế”. Đây cũng là lập trường cũng được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần khẳng định.

Phía Mỹ không chịu thua kém. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cùng Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cũng tiến hành công du nhằm mục đích định vị Mỹ mới là đối tác phát triển thực sự về dài hạn của Mỹ chứ không phải Trung Quốc.

Nga không muốn tụt lại phía sau. Tuần qua Ngoại trưởng Sergei Lavrov sang thăm Nam Phi, Angola, Eswatini để vun đắp quan hệ và thể hiện ảnh hưởng của nước này ở lĩnh vực an ninh, năng lượng.

Trung Quốc - châu Phi

qin-gang6-700x420.jpg
Tân Ngoại trưởng Tần Cương tiếp tục truyền thống tiếp nối truyền thống thăm châu Phi ngay đầu năm mới - Ảnh: Global Times

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Tần Cương diễn ra sau một loạt sự kiện quan trọng: đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 kết thúc thành công, Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm chống dịch nghiêm ngặt, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi lần 8 thông qua Kế hoạch Hành động Dakar (2022 - 2024). Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện suy đoán Trung Quốc có thể giảm tài trợ cho hàng loạt dự án hạ tầng lớn ở lục địa đen.

Thiệt hại kinh tế gây ra bởi đại dịch cùng cuộc chiến tại Ukraine làm suy yếu khả năng trả nợ của nhiều nước châu Phi. Trung Quốc giờ đây vừa phải vất vả thu lại tiền, vừa phải duy trì hình ảnh nhà tài trợ hàng đầu của các nước đang phát triển.

Tháng 1.2023 là tháng quan trọng với Trung Quốc khi một số dự án hạ tầng lớn mà nước này tài trợ đi vào hoạt động. Tại Nigeria là cảng biển nước sâu Lekki lớn nhất vùng Tây Phi cùng hệ thống đường sắt Blue Line dài 27 km. Tại Uganda là giàn khoan Kingfisher trên hồ Albert. Tại Congo, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Trung Phi mới đang được xây dựng.

Mỹ - châu Phi

Trọng tâm của Mỹ năm nay là duy trì động lực chính sách châu Phi được thúc đẩy ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm ngoái. Các nhà lãnh đạo lục địa đen sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu chính quyền Tổng thống Biden có làm đúng cam kết đầu tư và gắn kết với châu Phi như đối tác bình đẳng hay không.

Nhân dịp công du, Bộ trưởng Yellen nhắc lại sự hỗ trợ của Washington trong việc giúp châu Phi nhận ra tiềm năng kinh tế thực sự cũng như sự ủng hộ đối với việc đưa Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực nhóm G20.

Vấn đề nợ cũng được nhắc đến. Tại Zambia - quốc gia châu Phi mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất, Bộ trưởng Yellen nói rằng đối thủ châu Á cản trở Zambia tái cơ cấu nợ.

Theo báo cáo mới của tổ chức nghiên cứu Chatham House, các đơn vị cho vay Trung Quốc chiếm 12% tổng số nợ nước ngoài của châu Phi (696 tỉ USD).

download.jpg
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (trái) cũng công du châu Phi - Ảnh: Politico

Nga - châu Phi

Ngoại trưởng Lavrov trở lại châu Phi nhằm thể hiện Nga là đối tác trong quá trình phát triển của châu Phi, đặc biệt ở lĩnh vực an ninh và năng lượng.

Chuyến thăm Nam Phi đặc biệt thú vị và gây tranh cãi với thông báo tiến hành tập trận hải quân chung Nam Phi - Nga - Trung mang tên Operation Mosi diễn ra từ ngày 17 - 27.2 ngoài khơi cảng Durban. Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor tuyên bố hoạt động như vậy là “tiến trình tự nhiên của các mối quan hệ”.

russia.jpg
Nga không muốn tụt lại ở châu Phi - Ảnh: ORF

Tại Angola, Nga ký thỏa thuận giúp đỡ phát triển chương trình năng lượng nguyên tử.

Cẩm Bình