Serbia ‘mềm lòng’ với Kosovo vì sợ EU bỏ rơi
Quốc tế - Ngày đăng : 23:00, 02/02/2023
Theo AP, kế hoạch chưa được công khai chính thức, nhưng ông Vucic cho biết nó quy định rằng Serbia sẽ không phản đối việc Kosovo được đưa vào các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, mặc dù họ sẽ không phải chính thức công nhận tư cách nhà nước của Kosovo.
“Tôi chưa ký bất cứ thứ gì. Tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán. Mọi người cần hiểu… Liệu chúng ta có trở thành kẻ bị gạt ra ngoài lề của châu Âu không?”, Tổng thống Vucic nói.
Phiên họp tại quốc hội Serbia hôm 2.2 đã diễn ra với màn tranh cãi nảy lửa giữa đảng cầm quyền của ông Vucic và các nhà lập pháp đối lập. Các nghị sĩ đối lập hô vang: “Đây là tội phản quốc, phản quốc. Chúng tôi sẽ không từ bỏ Kosovo”, đồng thời yêu cầu Tổng thống Vucic từ chức.
Chủ quyền của Kosovo, một tỉnh cũ của Serbia đã tuyên bố độc lập vào năm 2008, không được chính phủ Serbia công nhận. Trước xung đột ở Ukraine, Kosovo là nơi chứng kiến cuộc chiến gần đây nhất ở châu Âu. Cuộc chiến này kết thúc khi NATO phát động chiến dịch quân sự do Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton ra lệnh vào tháng 3.1999 và kéo dài trong 78 ngày.
Serbia cuối cùng đã ký hiệp định hòa bình, đồng ý rời khỏi Kosovo, nhưng hai bên chưa bao giờ hưởng hòa bình thực sự. Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO đã có mặt tại Serbia và Kosovo từ năm 1999. Cuộc chiến đó đã khiến trên 600.000 người Kosovo phải tị nạn ở châu Âu. Mỹ và Liên minh châu Âu gần đây đã tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề, lo ngại sự bất ổn khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
Thủ tướng Albin Kurti hôm 2.2 đã đặt ra các điều kiện để thành lập một hiệp hội các thành phố có đa số người Serb, được cả Mỹ và EU hỗ trợ. Kurti cho biết hiệp hội chỉ có thể được thành lập như một phần của thỏa thuận tổng thể về bình thường hóa quan hệ, điều mà Serbia đã từ chối trong quá khứ.
Chính quyền Kosovo lo ngại rằng một cộng đồng gồm các thành phố do người Serb thống trị cuối cùng sẽ làm suy yếu vị thế nhà nước. Trước tình hình này, Thủ tướng Kurti kêu gọi Belgrade dỡ bỏ bất kỳ thể chế nào do Serbia hậu thuẫn trong cộng đồng người Serb ở Kosovo.
Tổng thống Vucic cho biết các phái viên phương Tây đã nói với ông vào tháng trước rằng quá trình gia nhập của Serbia vào EU sẽ bị dừng lại và đầu tư kinh tế sẽ dừng lại nếu Belgrade quyết định từ chối lời đề nghị mới nhất của phương Tây để đạt được một giải pháp với Kosovo.
Khi ông Vucic phát biểu trước quốc hội, các nhà lập pháp cánh hữu đã giương cao các biểu ngữ cáo buộc tổng thống Serbia phản bội Kosovo, nơi mà nhiều người ở Serbia coi là cái nôi của bản sắc dân tộc.
Nhóm nhà lập pháp đối lập thân Nga theo đường lối cứng rắn trong quốc hội đã mô tả kế hoạch của phương Tây đối với Kosovo là một “tối hậu thư”. Họ nói rằng điều đó đồng nghĩa với việc Serbia sẽ phải công nhận nền độc lập của Kosovo như một điều kiện cuối cùng để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ông Bosko Obradovic của đảng Dveri cực hữu cho biết: “Chúng tôi không thấy lý do nào khiến chúng tôi phải chấp nhận tối hậu thư này của phương Tây,” đồng thời kêu gọi hội đồng bỏ phiếu bác bỏ nó.
Hãng tin AP nhận định Serbia đã dựa vào sự hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc trong việc bác bỏ nền độc lập của Kosovo. Đây là một trong những lý do tại sao Belgrade chưa áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Moscow về cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Vucic cho biết việc Serbia tiếp tục quá trình gia nhập EU là "lợi ích sống còn", nhưng nhắc lại rằng nước này sẽ không gia nhập NATO. Ông cảnh báo, việc từ chối các nỗ lực của phương Tây sẽ dẫn đến “sự cô lập hoàn toàn”.