Lễ hội Việt Nam: Cần chấn chỉnh, sàng lọc
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:08, 03/02/2023
Cách đây không lâu, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính - cho biết, theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội. Trong đó, có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Ngoài ra, có gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nhiều lễ hội của thế giới. Bình quân mỗi ngày, cả nước có vài chục lễ hội đủ kiểu. Tuy nhiên, chưa bao giờ, lễ hội bị lạm dụng tùy tiện như hiện nay.
Cần định danh chuẩn
Lễ hội là một từ ghép đẳng lập gồm hai từ “lễ” và “hội”. Cả 2 từ này đều là từ Hán Việt, lễ hội là cấu trúc ghép theo cú pháp tiếng Việt. Nếu dùng riêng, hai từ không thể thay thế nhau.
Lễ hội là hoạt động tập thể, thường liên quan đến tôn giáo. Con người vốn tin vào trời đất, thần linh, nhờ tôn giáo thần linh hóa những thứ trần tục. Tôn giáo nhờ lễ hội để phát triển. Theo thời gian, tính tôn giáo giảm dần, tính văn hóa nổi trội.
Ngày nay, lễ hội là sự kiện văn hóa được tổ chức cộng đồng, gắn với truyền thống; bao gồm những hành vi, động tác biểu hiện sự tôn kính với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng chưa có khả năng thực hiện (Lễ) và là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, vui chơi giải trí của cuộc sống hiện tại (Hội).
Ở Việt Nam, các sự kiện đông người đều được gọi là lễ hội. Lễ, phải có nghi thức biểu hiện lòng tôn kính tổ tiên, thánh thần và vật phẩm cúng tế. Tuy nhiên, rất nhiều lễ hội hiện nay, thực chất chỉ là hội, theo nghĩa hội hè. Sở Du lịch TP.HCM đã dùng từ rất chính xác “Những ngày hội du lịch” được tổ chức hàng năm.
Rất nhiều người hiện này đang nhầm lẫn lễ hội là festival. Trong khi lễ hội tại Việt Nam đa phần gắn với truyền thống, có nghi thức và vật cúng tế. Còn hội hè – festival (những ngày hội) hầu hết gắn liền nhu cầu cuộc sống hiện đại.
Các lễ hội kiểu cồng chiêng (nhạc cụ); hát xoan, đờn ca tài tử (loại hình văn nghệ); thổ cẩm, áo dài (trang phục); xe cổ, khinh khí cầu, lướt ván (phương tiện); pháo hoa, thả diều, mua sắm, kéo co (vui chơi); đua bò, đua cua, đua chó (trò vui); bánh kẹo, món ngon (ẩm thực); hoa anh đào, hoàng mai, đào, mận, cây kiểng (thực vật)… phải được định danh là “Những ngày hội”.
Lễ hội “Đâm trâu” hiện nay là sản phẩm không còn phù hợp với thời đại và mang tính bạo lực. Chỉ có lễ “Tế trâu” (khóc trâu, tâm tình và cám ơn trâu) trước khi hiến tế trời đất, thần linh. Chỉ những người có uy tín, được chọn lọc mới tham gia nghi thức này.
Phải lập lại trật tự, kỷ cương văn hóa mà việc đầu tiên là định danh chuẩn “Lễ hội” và “Những ngày hội”.
Sàng lọc để “gạn đục khơi trong”
Cuộc sống luôn vận động theo quy luật. Mọi hành vi của con người đều được sàng lọc theo hướng tích cực. Không thể nhân danh bảo tồn (thực tế là bảo thủ), khư khư với những lễ hội phi nhân tính, xa lạ với truyền thống nhân văn của người Việt như: “Chém lợn” (Bắc Ninh), “Đâm trâu” (Tây Nguyên), “Cầu trâu” (Phú Thọ)…
Những ngày hội “Chọi trâu” cần loại bỏ phần xẻ thịt trâu sau khi chọi, môt dạng biến tướng kinh doanh, nhẫn tâm với gia súc “đầu cơ nghiêp”. Và nên duy trì các lễ hội như đua bò (An Giang), đua ngựa (TPHCM, Phú Yên), đua chó, chọi gà, chọi bò (Dak Lak)… Thắng, cả chủ và vật được giải. Tất cả ra về năm sau, lần sau đua hoặc chọi tiếp. Cũng xin đừng “sản sinh” thêm kiểu hành hạ loài vật như “đua cua” (Cà Mau) trước khi bỏ vào nồi lẩu.
Trong bối cảnh tham nhũng hoành hoành, hủy hoại vật chất lẫn tinh thần, đe dọa sự tồn vong của đất nước và gây mất lòng tin trong nhân dân, cần mở rộng mô hình như lễ hội Minh Thề (Hải Phòng) để tất cả quan chức thề độc với trời đất: “Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử. Người nào làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”…
Dẹp bỏ những biến tướng nguy hại trong các lễ hội “buôn thần, bán thánh”. Chẳng thần linh nào phù hộ làm giàu bất chính, thăng tiến bất nhân, quan hệ bất pháp; chà đạp cả đạo đức lẫn pháp luật. Đoạn tuyệt những lễ hội khoa trương, rập khuôn, hình thức; các lễ hội "giải ngân", làm giàu cho ban tổ chức…
Lễ ra lễ, hội ra hội và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Trước là phục vụ người dân bản địa, sau là mời du khách trải nghiệm. Lễ hội là công cụ quan trọng quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch. Hiệu quả các lễ hội Việt Nam với du lịch rất kém, nhiều khi phản tác dụng.Mọi việc đều liên quan đến con người. Đầu tiên, phải thay đổi tư duy, định danh chuẩn và sàng lọc, dẹp loạn lễ hội nhố nhăng, nguy hại.
Lễ hội là tấm gương phản chiếu trung thực đời sống văn hóa dân tộc. Đừng để gương vẩn đục, ố nhòe.