Bộ Công Thương đề xuất sửa nghị định về xăng dầu, nhưng các DN bán lẻ vẫn chưa hài lòng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:57, 03/02/2023
Hoan nghênh phương án cho doanh nghiệp bán lẻ nhập từ nhiều nguồn
Ngày 3.2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành công thương bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu (sản xuất trong nước và nhập khẩu), bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống.
“Bộ Công Thương sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát” - Thủ tướng yêu cầu.
Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu hiện nay. Trong kiến nghị mới đây, các DN bán lẻ xăng dầu cho rằng quy định đại lý bán lẻ chỉ được nhập xăng dầu từ một đầu mối được cho là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cục bộ xăng dầu, thiếu cạnh tranh trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua.
Để khắc phục tình trạng này, tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Nghị định 83/NĐ-CP và Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương tính đến phương án cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn (và có thể giới hạn từ 2 - 3 nguồn).
Ưu điểm của phương án này là đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Song nhược điểm là quy định không phù hợp với Luật Thương mại, khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, ông Giang Chấn Tây, tiến sĩ kinh tế - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc hoan nghênh phương án cho DN bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ 3 nơi.
Theo ông Tây, điểm b, khoản 1, điều 8 Luật Cạnh tranh quy định cấm phân biệt đối xử giữa các DN, gây bất lợi cho một trong các chủ thể tham gia thị trường. Trong khi đó, Nghị định 83 và Nghị định 95 hiện hành quy định DN bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi là không thuyết phục.
Lý do, theo ông Giang Chấn Tây, thương nhân phân phối lấy hàng ở 3 nơi nhưng khi mua hàng về lại đổ chung một bể để dự trữ bán ra mà không phân theo hệ thống bồn bể của từng công ty đầu mối. Do đó, hàng hóa luôn bị trộn lẫn nhau, dẫn đến cửa hàng bán lẻ của họ xăng dầu cũng bị trộn lẫn nhau ở 3 nơi để bán.
“Vậy thì lý do gì cùng là cửa hàng bán lẻ như nhau mà cửa hàng của DN bán lẻ chỉ đươc lấy một nơi mà không cho lấy ở 3 nơi?”, ông Tây nói.
DN bán lẻ muốn quy định chiết khấu tối thiểu
Dù hoan nghênh phương án của Bộ Công Thương, tuy nhiên, các DN cho rằng bất cập lớn nhất của DN bán lẻ là vấn đề chiết khấu vẫn chưa được giải quyết.
Về quy định về chiết khấu, chủ một DN bán lẻ xăng dầu nói: “DN bán lẻ chúng tôi đề nghị trong nghị định mới cần có tỷ lệ chi phí bán lẻ cố định tối thiểu bằng 5%/giá bán lẻ theo từng thời điểm cho đại lý bán lẻ trong cơ cấu giá thành cơ sở.
Nếu không có chi phí bán lẻ cố định tối thiểu (trước đây gọi là chiết khấu) thì nhà cung cấp muốn cho bao nhiêu đại lý cũng phải nhận. Thực tế trong 1 năm qua, các đại lý bán lẻ đều trông chờ vào sự ban phát của nhà cung cấp mà không có quyền thỏa thuận hay đòi hỏi về chiết khấu, kinh doanh thua lỗ mà không được dừng bán hàng”, ông nói.
Theo đó, vị đại diện DN ấy cho rằng nếu nghị định mới sửa đổi theo hướng không quy định chi phí bán lẻ cố định tối thiểu thì tình trạng đứt gãy nguồn cung sẽ tiếp tục xảy ra, lặp đi lặp lại và không sớm thì muộn, các đại lý bán lẻ cũng sẽ phá sản.
Bình luận về vấn đề này, ông Giang Chấn Tây cho rằng nếu muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định thì không có cách nào khác là nhà nước phải quy định mức chiết khấu tối thiểu.
“Mức chiết khấu cố định cho khâu bán lẻ 5 - 6% trên giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Có như vậy thì mới đảm bảo để DN bán lẻ duy trì hoạt động xuyên suốt trong mọi trường hợp ở mọi mức giá xăng dầu của thế giới biến động tăng hay giảm”, ông Tây nói.
Theo ông Giang Chấn Tây, cho dù DN bán lẻ lấy hàng ở 3 nơi như Bộ Công Thương đã thống nhất trình Chính phủ thì không ai có thể đảm bảo rằng DN bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi trường hợp. Lý do, các nhà cung cấp có thể bắt tay ngầm với nhau để hạ chiết khấu xuống thấp và khi đó mức chênh lệch quanh quẩn chỉ vài chục đồng thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà chiết khấu dưới điểm hòa vốn không đảm bảo cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, việc cho DN bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn cũng có tính cạnh tranh về chiết khấu, nhưng không nhiều, chủ yếu chỉ đảm bảo được cho DN bán lẻ chủ động được nguồn hàng; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng trong chuỗi cung ứng, nhằm duy trì hoạt động xuyên suốt theo yêu cầu của Chính phủ đối với mặt hàng bình ổn và thiết yếu. Mặt khác, điều này cũng cải thiện giao dịch mà trước đây không có như có sự lựa chọn giao dịch phù hợp khi đúc kết qua một quá trình giao dịch để nâng cao dịch vụ.
“Điều quan trọng là cần phải quy định chiết khấu tối thiểu và xem đây là một công cụ để quản lý “hàng hóa đặc biệt” nhằm làm cho mọi hoạt động của hệ thống kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc được ổn định. Nếu không quy định sẽ xảy ra tình trạng chiết khấu luôn dưới điểm hòa vốn thì lại xảy ra bất ổn thị trường”, ông Tây nêu.
Ngoài ra, ông Tây cũng cho rằng dù nhà nước quy định giá bán lẻ hay là thả nổi giá để tự doanh nghiệp quyết định thì ai dám chắc rằng các đầu mối sẽ cho chiết khấu cao hơn điểm hòa vốn? Nếu cho chiết khấu thấp hơn điểm hòa vốn để doanh nghiệp bán lẻ chết lần chết mòn để họ có ý đồ thâu tóm thì thị trường có ổn định như nhà nước mong muốn không?
Do đó, nhà nước cần có chính sách phù hợp để ổn định thị trường trên cơ sở công nhận sự tồn tại của DN bán lẻ như là một tất yếu khách quan. Nhà nước cần phải có công cụ quản lý phù hợp chứ không phải quản lý bằng chính sách bỏ rơi DN bán lẻ.
“Do vậy, Bộ Công Thương cho DN bán lẻ lấy hàng ở 3 nơi chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện cần và đủ để mọi hoạt động đi vào ổn định”, ông Tây nêu, và cho rằng nhà nước nên cho DN đầu mối tự định giá. Điều này nhằm để đảm bảo đủ các chi phí phát sinh được đưa vào đủ và đúng trong giá vốn kinh doanh theo diễn biến thị trường, nếu không sẽ giống như người khác đi chợ mà người ở nhà quyết định giá và lại xảy ra tình trạng xin-cho chi phí. Điều này làm trái với quy luật hoạt động kinh doanh.