Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất có ảnh hưởng gì đến nước ta?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:53, 04/02/2023

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đầu tháng 2 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10.2007.

Đây là lần tăng thứ 8 và là đợt tăng lãi suất ít nhất của Fed kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3.2022 khi Ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này.

Câu hỏi đặt ra là việc Fed tăng lãi suất có ảnh hưởng gì đến Việt Nam? Trên Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng khi việc tăng lãi suất làm tốc độ tăng lạm phát tại Mỹ chậm lại sẽ có một số tác động đến nước ta.

Thứ nhất, đây là tín hiệu tương đối tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì như vậy Fed và các cơ quan quản lý của Mỹ đang tự tin hơn về việc nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi, đặc biệt về tiêu dùng của người dân Mỹ. Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ tốt hơn thì các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi một cách gián tiếp. Với quy mô xuất khẩu hơn 100 tỉ USD vào thị trường này và đặc biệt là một số ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… vốn bị chững lại, suy giảm trong thời gian vừa qua, thì sự phục hồi tiêu dùng của người Mỹ mang lại kỳ vọng các ngành hàng xuất khẩu này sẽ có sự phục hồi tốt hơn trong năm nay.

Thứ hai, giảm bớt áp lực lạm phát “nhập khẩu”. Với sự “ngầm” thừa nhận áp lực lạm phát tại Mỹ đã giảm tốt qua việc Fed chỉ tăng lãi suất 0,25%, thì áp lực từ lạm phát cũng như từ việc Fed có các đợt tăng mạnh lãi suất gần đây đối các thị trường khác trong đó có Việt Nam cũng sẽ giảm đi. Thể hiện là ngay sau khi Fed công bố tăng lãi suất ở mức độ nhẹ thì giá dầu và nhiều mặt hàng hóa cơ bản khác cũng đã giảm giá theo.

Việc giá dầu giảm - dù chỉ là phản ứng tức thời và vẫn có thể tăng trở lại - nhưng theo logic tự nhiên thì về xu hướng sẽ giảm. Khi giá dầu và các hàng hóa cơ bản như nguyên vật liệu đầu vào giảm cũng giúp giảm bớt áp lực lạm phát đối với những nền kinh tế phải nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu như Việt Nam. Như vậy, kỳ vọng áp lực lạm phát nhập khẩu từ bên ngoài cũng sẽ nhẹ nhàng hơn một chút trong những tháng tới, từ đó giảm bớt áp lực đối với nền kinh tế, doanh nghiệp cũng sẽ bớt đi.

Thứ ba, áp lực về tỷ giá cũng sẽ giảm đi, không còn quá nặng nề như giai đoạn trước. Ví dụ, những tháng cuối năm 2022, khi Fed liên tiếp tăng lãi suất 0,75% thì áp lực đối với tỷ giá rất nặng nề. Nên việc Fed tăng lãi suất nhẹ lần này - dù đã nằm trong kỳ vọng - cũng vẫn sẽ giúp bớt áp lực về điều hành tỷ giá.

Thứ tư, tạo ra những tác động tích cực tới các thị trường khác cũng như tới tâm lý chung. Rất có thể trong những cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương ở các thị trường lớn khác chỉ trong một vài ngày tới đây, họ cũng sẽ đưa ra các phản ứng tương đồng với Fed (tiếp tục thắt chặt nhưng ở mức nhẹ nhàng hơn so với kỳ vọng trước đây). Khi điều này được duy trì sẽ tạo ra tâm lý tích cực cho thị trường thế giới.

Với thị trường trong nước, điều quan trọng nhất là những tác động gián tiếp đối với tâm lý của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu; tâm lý tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như tâm lý chung của các nhà đầu tư. Tâm lý tích cực hơn của thị trường, của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư - trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất định hiện nay - là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết để thị trường phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, ông Lê Duy Bình cũng lưu ý việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất lần này chưa thể cho thấy hết lộ trình tiếp theo sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng cũng đưa ra những tín hiệu tích cực, giảm bớt một chút gánh nặng trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay của NHNN, đặc biệt là giảm áp lực phải tăng lãi suất hay phải sử dụng tới dự trữ ngoại hối.

H.Đ