Tổng thống Serbia: Việc phương Tây gửi xe tăng tới Ukraine chỉ giúp Nga ‘đoàn kết’ hơn

Quốc tế - Ngày đăng : 11:28, 04/02/2023

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 3.2 nói rằng xe tăng được các nước NATO gửi tới Ukraine đang khiến người dân Nga đoàn kết lại với nhau.

Theo Newsweek, Đức thông báo ngày 25.1 rằng họ sẽ gửi 14 chiếc xe tăng Leopard 2 tới Ukraine, sau đó Mỹ hứa sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams. Các quốc gia phương Tây khác dự kiến cũng gửi xe tăng bao gồm Anh, Pháp, Slovakia và Na Uy. Ba Lan, Czech và Bulgaria cũng đã gửi chúng.

Đại sứ Nga tại Đức, ông Sergey Nechaev, gọi quyết định của Berlin là "cực kỳ nguy hiểm" và mâu thuẫn với tuyên bố của các chính trị gia Đức về việc nước này không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh ở Ukraine.

16bb-69b1307670be177814f117f79ca5da2a.png
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic - Ảnh: Getty

Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 3.2 nói "Sai lầm lớn nhất của phương Tây là họ đã công bố nguồn cung cấp xe tăng, đặc biệt là những chiếc xe tăng tiên tiến do Đức sản xuất. Đây là sai lầm chính trị lớn nhất của phương Tây vì họ đã vô tình đoàn kết được người Nga chỉ trong một ngày”.

Trước đó một ngày, ông Vucic phát biểu trong một cuộc họp quốc hội rằng Serbia không muốn gia nhập NATO và sẽ tiếp tục giữ thái độ trung lập về mặt quân sự. Tuy nhiên, ông khẳng định con đường gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vẫn là một "lợi ích sống còn".

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Serbia nhấn mạnh "Nga vẫn là trở ngại duy nhất cho hòa bình ở Ukraine”.

“Chúng tôi đoàn kết với hơn 50 quốc gia hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. Chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ các nước khác tiếp tục cung cấp các thiết bị quân sự cần thiết để Ukraine tự vệ trước Nga và chúng tôi đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao khi thích hợp. Chỉ Nga và Nga có thể chấm dứt cuộc chiến này”, quan chức Bộ Ngoại giao Serbia cho Newsweek biết.

Được biết Serbia, Kosovo, Bosnia - Herzegovina là những quốc gia Balkan không phải là một phần của NATO.

Hãng tin AP đưa tin Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trước đó đã phải đối mặt với sự phản đối trong quốc hội vì không từ chối kế hoạch được các quốc gia phương Tây khuyến khích để làm hòa với Kosovo. Ông Vucic nói với các nhà lập pháp rằng Serbia có thể trở thành một "kẻ bị hạ bệ" nếu quan hệ với Kosovo không được bình thường hóa.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3.2 cũng đã nói chuyện với Tổng thống Vucic về mối quan hệ với Kosovo. "Ngoại trưởng Blinken cảm ơn Tổng thống Vucic vì sự tham gia mang tính xây dựng của ông đối với đề xuất của EU nhằm bình thường hóa quan hệ với Kosovo. Ngoại trưởng Serbia và Tổng thống Vucic đã đồng ý rằng ổn định khu vực là điều cần thiết để đảm bảo tương lai châu Âu của Serbia", Newsweek dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Serbia.

Hoàng Vũ