Điểm đáng chú ý trong phát biểu của Chủ tịch Fed

Quốc tế - Ngày đăng : 12:50, 04/02/2023

Hãng Reuters cho biết thị trường tài chính đặc biệt chú ý đến từ “thiểu phát” mà Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell liên tục nhắc đến mới đây. Họ xem đây là dấu hiệu cuộc chiến chống lạm phát sắp đi đến hồi kết.

Trong cuộc họp báo kéo dài đến 45 phút ngày 1.2, Chủ tịch Powell nhắc “thiểu phát” đến 15 lần - một điểm đáng chú ý so với nhiều cuộc họp báo khác kể từ khi Fed triển khai chính sách tăng lãi suất đến nay.

Lạm phát

Để hiểu thiểu phát, trước hết cần biết lạm phát là gì. Lạm phát là tình trạng nhiều hàng hóa cùng dịch vụ tăng giá.

diinflation-32.jpg
Lạm phát đang là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia - Ảnh: CNBC

Các ngân hàng trung ương - kể cả Fed - thường kiểm soát lạm phát hàng năm ở mức 2%. Điều này không có nghĩa giá của mọi thứ đều tăng 2%, một số mặt hàng có thể tăng mạnh hơn trong khi một số khác thậm chí còn giảm giá. Nhưng tính tổng thì mức tiêu dùng một hộ gia đình tiêu biểu chỉ thêm 2% - đủ thấp để hộ gia đình đó không cần lo lắng, đồng thời đủ cao để đem lại cho ngân hàng trung ương khả năng chống chọi với suy thoái kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất.

Lạm phát cao hơn 2% là vấn đề lớn với nền kinh tế, không chỉ vì người dân và doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa dịch vụ hàng ngày mà còn vì tình trạng này có thể trở thành vòng luẩn quẩn. Người lao động nhận thấy tiền lương không theo kịp giá cả tăng cao sẽ yêu cầu tăng lương, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phải tăng giá bán hàng, nhưng làm vậy thì lại khiến tiền lương tụt lại.

Để giải quyết vấn đề, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, làm hạn chế chi tiêu và cuối cùng kéo thấp lạm phát.

Thiểu phát

Hiện chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Fed - hiện ở mức khoảng 5% chứ chưa về mức mục tiêu 2%, tuy nhiên đã thấp hơn mức kỷ lục 7% vào tháng 6.2022.

Lạm phát giảm dần như vậy được gọi là thiểu phát. Chủ tịch Powell ngày 1.2 nhận định đây là diễn biến đáng mừng cho thấy chính sách tăng lãi suất phát huy tác dụng.

Vài mặt hàng vẫn tăng giá: trứng tăng 254% vào tháng 1 do dịch cúm gia cầu làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu, trang sức tăng 54%. Nhưng nhìn chung giá hàng hóa đang giảm: nhạc cụ giảm 12%, ô tô qua sử dụng giảm 27%. Hàng hóa chiếm 25% chỉ số PCE.

Giá nhà chiếm 25% khác vẫn tăng nhưng lãi suất cao của Fed đang tác động mạnh đến nhu cầu, người thuê mới nhận được hợp đồng tốt hơn.

dieureuters.jpg
Lạm phát tại Mỹ đang giảm dần - Ảnh: Reuters

Quá trình thiểu phát vẫn chưa xảy ra ở mảng dịch vụ cốt lõi. Giá vé máy bay trong tháng 1 tăng gấp đôi.

Nguyên nhân chủ yếu do tiền lương. Chủ tịch Fed không nói rõ thị trường lao động cần suy yếu bao nhiêu, bao nhiêu người mất việc thì mảng dịch vụ cốt lõi bắt đầu bước vào thiểu phát.

Thiểu phát không phải lúc nào cũng là diễn biến tích cực. Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan năm 2003 cảnh báo với lạm phát ở mức 1,8% thì quá trình thiểu phát tiếp tục diễn ra là “diễn biến không mong muốn”. Thời điểm đó Fed phải tiến hành hạ lãi suất để ngăn kịch bản giảm phát - hàng hóa cùng dịch vụ rớt giá.

Giảm phát sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Các hộ gia đình ngừng mua hàng do biết có thể nhận được giá tốt hơn nếu chờ đợi, chi tiêu vì vậy sụt giảm rồi lại khiến giá cả giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát cao như hiện tại, thiểu phát là điều Fed muốn thấy.

Cẩm Bình