Trung Quốc đối mặt áp lực từ Mỹ trên mặt trận chip vào năm 2023 vì Nhật, Hà Lan

Thế giới số - Ngày đăng : 10:48, 05/02/2023

Trung Quốc nhận cú sốc với thông tin Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đồng ý về một thỏa thuận hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang nước này.

Trung Quốc đã đón Tết Nguyên đán kém vui bởi thông tin Nhật Bản và Hà Lan tham gia cùng Mỹ thắt chặt quyền tiếp cận của nước này với một số thiết bị và công nghệ sản xuất chip. Động thái đó giáng một đòn mới vào tham vọng phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc.

Ngay sau đó là các báo cáo rằng chính quyền ông Biden cân nhắc cắt đứt nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei khỏi tất cả nhà cung cấp tại Mỹ, nhiều năm sau khi công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến bị thêm vào danh sách đen thương mại và tiếp tục hạn chế quyền tiếp cận của họ với các chip tiên tiến.

Huawei có thể phải đối mặt áp lực lớn hơn khi rộ tin chính quyền Biden có thể ngừng phê duyệt giấy phép xuất khẩu hàng loạt công nghệ cho công ty Trung Quốc. Nếu được xác nhận, lệnh cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ sẽ cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận của Huawei với các nhà cung cấp từ Mỹ như Qualcomm, Nvidia và Intel.

Những điều này phản ánh một số trong 10 rủi ro bên ngoài hàng đầu với Trung Quốc vào năm 2023 trong báo cáo gần đây của Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế (CISS), tổ chức nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Trung Quốc, cảnh báo về áp lực tiếp tục tăng từ Mỹ.

Báo cáo của CISS cho biết: “Mỹ sẽ tận dụng tối đa sự khác biệt về ý thức hệ và những lo ngại về an ninh để thuyết phục hoặc đe dọa các đồng minh của mình áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn chặt chẽ hơn với Trung Quốc”. Báo cáo cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thậm chí có thể mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ sinh học, nhiên liệu sạch, hệ thống hạt nhân và chăm sóc sức khỏe.

trung-quoc-doi-mat-suc-ep-tren-mat-tran-ban-dan-2023.jpg
ASML thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ vào hệ thống in thạch bản cực tím cực kỳ tiên tiến của mình - Ảnh: Shutterstock

Dù Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan vẫn chưa chính thức tiết lộ chi tiết về thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu của họ, nhiều người suy đoán rằng hệ thống in khắc tia cực tím sâu nhúng ArF (DUV) của ASML (Hà Lan) sẽ bị giới hạn ở Trung Quốc. Những máy này, sử dụng công nghệ laser để cơ bản khắc một mạch được thiết kế sẵn lên một đĩa bán dẫn (wafer), cho phép xử lý in thạch bản trong phạm vi từ 45 nanomet đến 7 nanomet.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ chiếm gần 90% thị phần cung cấp máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến, vốn đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2019.

Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế hơn nữa doanh số thiết bị sản xuất chip cũng sẽ che mờ triển vọng của các nhà cung cấp hệ thống DUV Nhật Bản cho Trung Quốc, chẳng hạn như Nikon và Canon. Trong khi đó, Tokyo Electron cạnh tranh ở các phân khúc khác của thị trường thiết bị sản xuất chip, chẳng hạn các công cụ khắc và phủ tiên tiến.

Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các công ty quan trọng nhất cung cấp thiết bị sản xuất chip, gồm cả ASML, Tokyo Electron và Applied Materials (bang California, Mỹ).

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Anbound có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) cho biết trong một báo cáo: “Việc đàn áp chất bán dẫn đã đánh vào điểm yếu về công nghệ của Trung Quốc. ‘Cái thòng lọng quanh cổ’ ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ còn thắt chặt hơn, sau thỏa thuận giữa ba quốc gia đó”.

Kết quả có thể đánh dấu trở ngại lớn cho sự phát triển chip ở Trung Quốc.

Mo Dakang, nhà tư vấn tại Anbound, cho biết: “Các nút quy trình sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể rút từ 14 nanomet xuống 45 nanomet”. Ông nói thêm rằng hiện có nhiều điều không chắc chắn trong bối cảnh lợi ích liên tục thay đổi của các quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, ASML cho biết trong tuyên bố vào ngày 28.1 rằng sẽ mất một thời gian để các chính phủ liên quan hoàn thiện luật thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và thực thi luật đó.

Công ty Hà Lan cho hay: “Trong khi các quy tắc này đang được hoàn thiện, ASML sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng để thảo luận về tác động tiềm ẩn của bất kỳ quy định được đề xuất nào nhằm đảm bảo tác động với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu được đánh giá đúng mức. Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh của ASML trên toàn cầu sẽ tiếp tục”.

Lãnh đạo ASML cảnh báo rằng chiến dịch của Mỹ có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Vào ngày 25.1, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ASML - Peter Wennink cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ dẫn đầu chống lại Trung Quốc cuối cùng có thể thúc đẩy Bắc Kinh phát triển thành công công nghệ của riêng mình trong thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Nếu không thể có được những chiếc máy đó, họ sẽ tự phát triển chúng. Điều đó sẽ mất thời gian, nhưng cuối cùng họ sẽ đạt được", Peter Wennink nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

trung-quoc-doi-mat-suc-ep-tren-mat-tran-ban-dan-20231.jpg
Quang cảnh bên ngoài trụ sở chính của ASML ở tỉnh Noord-Brabant, Hà Lan - Ảnh: AP

Có những vấn đề liên quan khác cần xem xét, theo Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan.

Arisa Liu nói: “Doanh số bán thiết bị bán dẫn của Nhật Bản và Hà Lan sang Trung Quốc không đáng kể. Việc Mỹ bồi thường cho các công ty bị ảnh hưởng như thế nào sẽ là chìa khóa quyết định liệu thỏa thuận này có thể được thực hiện và kéo dài hay không”.

Trong khi các công ty bán dẫn Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ thông qua việc tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp nội địa, Nhật Bản và châu Âu, chiến lược đó đã thất bại khi Mỹ tích cực chuyển sang hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ chip tiên tiến.

Tháng 10.2022, chính quyền Biden đã mở rộng các biện pháp thương mại nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của riêng mình hoặc mua chip tiên tiến từ nước ngoài để hỗ trợ các năng lực quân sự và trí tuệ nhân tạo (AI).

Các quy tắc kiểm soát xuất khẩu đơn phương do Mỹ công bố vào tháng 10.2022 đã đặt giới hạn cho quy trình sản xuất chip logic của Trung Quốc ở 14 nanomet, DRAM ở quy trình 18 nanomet và chip 3D NAND ở quy trình 128 lớp.

Trung Quốc đã tìm thấy vài lựa chọn để chống lại các hạn chế công nghệ của Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc không thể trả đũa các công ty Mỹ như Apple, Tesla hay Intel vì cần công nghệ của họ, công việc họ tạo ra, phát triển kinh doanh và sự hỗ trợ của họ ở Mỹ. Dan Wang, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Gavekal, viết điều này trong một báo cáo.

Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc chỉ có thể đáp trả bằng các khoản trợ cấp và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp địa phương, chứ không phải trả đũa”, Dan Wang nhận định.

Phản ứng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đến nay là quyết định vào tháng 12.2022 khi gửi đơn khiếu nại lên cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thách thức các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đã cố giữ các đồng minh kinh tế quan trọng trong vòng tay của mình. Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi, ban đầu được khởi động vào tháng 5.2022, được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Jake Sullivan giới thiệu vào ngày 1.2 như phương tiện để tăng cường liên kết quân sự, công nghệ và chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Trong khi Hàn Quốc vẫn chưa gia nhập Liên minh Chip 4 do Mỹ đứng đầu, các nhà phân tích gần đây cho biết dòng chảy thương mại chất bán dẫn Trung - Hàn sẽ tiếp tục chịu áp lực từ Mỹ.

Việc bảo vệ lợi ích của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Seoul vì hàng tỉ USD mà họ đã đầu tư vào các nhà máy ở Trung Quốc. Một quan chức chính phủ Hàn Quốc quen thuộc về vấn đề tiết lộ thông tin này với trang SCMP.

Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU), tháng trước đã tán thành các hạn chế chip của Mỹ với Trung Quốc.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với mục tiêu tước đi những chip tiên tiến nhất của Trung Quốc. Chúng tôi không thể cho phép Trung Quốc tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất”, Thierry Breton tuyên bố.

Sơn Vân