Video: Tết Nguyên tiêu đặc biệt ở chùa Nghệ sĩ
Văn hóa - Ngày đăng : 18:40, 05/02/2023
Tết Nguyên tiêu là một trong những ngày lễ theo truyền thống của người Việt Nam. Tết được diễn ra đúng vào ngày Rằm tháng Giêng. Vào dịp này người dân thường cúng bái tổ tiên, trời đất và lên chùa, đi lễ để cầu bình an trong cuộc sống.
Tại TP.HCM, Lễ hội Nguyên tiêu 2023 được tổ chức trong hai ngày 4 và 5.2 với nhiều hoạt động phong phú như lễ diễu hành nghệ thuật đường phố, Ngày thơ Việt Nam, đêm hội Nguyên tiêu, biểu diễn văn nghệ, múa lân sư rồng... được diễn ra tưng bừng ở khắp nơi và chùa Nghệ sĩ ở Gò Vấp là một trong những địa điểm như vậy.
Từ sáng sớm các NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Hữu Danh, Trịnh Kim Liên, Minh Tâm, Phương Tử Long cùng rất nhiều khán giả đã đến chùa Nghệ sĩ lễ Phật, thăm mộ thắp hương tưởng nhớ các nghệ sĩ nổi tiếng đang an nghỉ ở đây.
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, Tết Nguyên tiêu ở chùa Nghệ sĩ được tổ chức rất giản dị ấm áp và mang đậm nét văn hóa của người phương Nam. Cửa chùa rộng mở, người dân đến đây lễ Phật và viếng mộ các nghệ sĩ xong là được thưởng thức các tiết mục tân cổ nhạc, xiếc, ảo thuật do nghệ sĩ tự nguyện đến biểu diễn miễn phí phục vụ khán giả.
Xem video không khí Tết Nguyên tiêu tại chùa Nghệ sĩ và chia sẻ của NSƯT Trịnh Kim Chi, Trịnh Kim Liên, Minh Tâm, Phương Tử Long:
Chùa Nghệ sĩ còn có tên là Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự tọa lạc tại 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Chùa là địa chỉ văn hóa quen thuộc với người dân thành phố vì nơi đây có mộ và tro cốt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Về lịch sử có thể tính chùa được hình thành từ năm 1958, khi NSND Phùng Há xin được tiền để Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế mua đất nhằm làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Tuy nhiên khi mua được mảnh đất 6.080 m² thì lại để bỏ không gần 10 năm trời vì không có tiền xây chùa.
Năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) thấy đất bỏ không nên quyết định xin Phùng Há cho dựng am để tu hành. 1970, am hoàn thành, lúc đó bầu Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. Bầu Xuân đồng ý mua lại am với giá tương đương gần 100 cây vàng. Từ đó, am được xây thành chùa và trở thành nơi mai táng của nhiều nghệ sĩ, công nhân sân khấu và người thân của họ.
Hiện trong khuôn viên chùa có hàng trăm ngôi mộ của các nghệ sĩ vang bóng một thời như soạn giả cải lương Hoa Phượng, Hà Triều, Thu An, NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NSND Ba Vân, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Trường Xuân, Bảy Cao, Đức Lợi, Khánh Linh, Quốc Hòa, Tô Kiều Lan, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, NSƯT Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, lớp trẻ thì có diễn viên Lê Công Tuấn Anh…
Tác giả trích dẫn