Ukraine gặp khó trong vấn đề vận hành xe tăng NATO
Quốc tế - Ngày đăng : 10:45, 06/02/2023
Theo Newsweek, trong mấy tuần gần đây, các quốc gia phương Tây ủng hộ Kyiv đã tuyên bố rằng họ sẵn sàng cung cấp cho quân đội Ukraine những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực tinh vi.
Vào ngày 25.1, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Gọi M1 Abrams là "xe tăng mạnh nhất thế giới", ông Biden cho biết Washington sẽ cung cấp đủ để trang bị cho một tiểu đoàn xe tăng Ukraine.
"Các lực lượng của Kyiv cần phải chống lại những chiến thuật và chiến lược đang phát triển của Nga trên chiến trường trong thời gian rất gần", ông Biden nói.
Lời hứa cung cấp xe tăng Abrams được đưa ra sau khi Đức cam kết cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine. Berlin cũng cho phép các quốc gia khác tái xuất xe tăng Leopard do Đức sản xuất cho Kyiv. Đức hôm 3.2 cũng đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu đối với xe tăng Leopard 1 cũ hơn.
Anh trước đó đã hứa giao xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của họ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh động thái này. Ông cho biết sự hỗ trợ bổ sung "sẽ không chỉ tăng cường sức mạnh cho Ukraine trên chiến trường mà còn gửi tín hiệu đúng đắn tới các đối tác khác”.
Các xe tăng mới đều hiện đại hơn so với xe tăng chiến đấu chủ lực mà Kyiv đã sử dụng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, bao gồm cả T-72 thời Liên Xô. Ukraine trước đó đã nhận được T-72 từ một số quốc gia, và vào tháng 11, Nhà Trắng đã cam kết tài trợ cho việc tân trang 45 xe tăng T-72B với các tính năng tiên tiến thông qua nước Czech.
T-72 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, nặng khoảng 45 tấn, giống như mẫu T-80 sau này. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cho biết một chiếc M1 Abrams có thể nặng từ 67 đến gần 74 tấn.
Chuyên gia quân sự và quốc phòng Michael Peck nói với Newsweek: “Trọng lượng nặng sẽ khó giúp những chiếc xe tăng di chuyển qua cầu nối một cách an toàn, ảnh hưởng tới sự cơ động ở nơi nó được triển khai”.
Frank Ledwidge, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, cho rằng những cây cầu thời Liên Xô ở Ukraine được thiết kế để chịu sức nặng của xe tăng thời bấy giờ và trong khu vực.
“Nhiều cây cầu của Ukraine có thể không phù hợp với các xe tăng chiến đấu chủ lực nặng hơn nhiều của phương Tây hiện được dành cho tiền tuyến của Ukraine”, ông nói và cho biết các thiết bị bắc cầu mà quân đội Ukraine sử dụng cũng sẽ được thiết kế dành cho xe tăng thời Liên Xô, chứ không phải những loại như Abrams, Challenger hay Leopard.
Ledwidge nhận định các thiết bị cầu nối tương ứng sẽ được cung cấp cho Ukraine bởi các đồng minh phương Tây, nhưng tình báo quân sự Nga dù sao cũng có thể hưởng lợi từ các quyết định hậu cần của Ukraine nhằm loại bỏ những cây cầu không phù hợp. Ledwidge hy vọng các chỉ huy quân sự của Ukraine "sẽ rất ý thức về điều này và sẽ tìm cách triển khai xe tăng để tận dụng khả năng của chúng”.
Thách thức hậu cần
Các mẫu xe tăng Abrams, Challenger hay Leopard mà phương Tây cam kết viện trợ cho Ukraine đều là hỏa lực có giá trị đối với Kyiv, nhưng lại là thách thức không hề nhỏ trong việc mua sắm đạn dược, huấn luyện lực lượng vận hành, cũng như việc tổ chức hậu cần cho nhiều hệ thống vũ khí cùng lúc.
Xe tăng Challenger 2 của Anh sử dụng đạn dược khác với tiêu chuẩn NATO, trong khi các mẫu đạn của Leopard 2 lại khó phân loại hơn. Một chiếc Leopard A4 của Tây Ban Nha có hệ thống radio hoặc kiểm soát hỏa lực khác với mẫu của Phần Lan, dù chúng vẫn có khả năng tương tác một cách cần thiết.
Dù các lực lượng Ukraine đã thể hiện khả năng đáng kể trong việc bảo trì thiết bị của Mỹ trên chiến trường, việc vận hành xe tăng Abrams của Washington cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm cả việc huấn luyện sẽ diễn ra bên ngoài Ukraine.