Tất bật các đơn hàng đầu năm, doanh nghiệp kỳ vọng một bức tranh xuất khẩu tươi sáng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:22, 06/02/2023
Đầu năm mới không khí ra quân của các doanh nghiệp thủy sản, trong đó có doanh nghiệp cá tra cho thấy tín hiệu lạc quan vào sự hồi phục đơn hàng từ các thị trường. Sau một kỳ nghỉ tết, các công nhân tại Công ty TNHH Hùng Cá đang tất bật chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu 21 container cá tra phi lê. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng cho biết có gần 10.000 công nhân, người lao động đang hối hả chuẩn bị cho những đơn hàng mới trong năm 2023.
Ở quý 4 năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất trong năm với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 do tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm. Tuy nhiên, so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi. Xuất nhập khẩu thủy sản giờ đây dễ dàng hơn. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
"Việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với COVID-19 chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho đơn hàng thủy sản ngay trong tháng đầu năm, vì dịch vẫn còn là quan ngại của nhiều người dân và phân khúc nhà hàng chưa thể mở cửa hoàn toàn. Nhưng sau một vài tháng, thị trường này sẽ thích ứng và bùng phát mạnh nhu cầu trong các phân khúc tiêu thụ", chuyên gia VASEP dự báo.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, lượng tồn kho giảm và các yếu tố cung cầu có thể sẽ kích thích các đơn hàng cho cá tra tăng trở lại từ sau Tết nguyên đán. Những kỳ vọng đó có thể mang lại niềm tin về khả năng hồi phục cho các doanh nghiệp cá tra năm 2023.
Tại Quảng Nam, các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng dệt may, da giày, điện tử xuất khẩu… hầu hết đều có đơn hàng sản xuất, ít nhất đến hết 6 tháng đầu năm 2023.
Từ cuối năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp thuộc nhóm hàng dệt may, da giày, điện tử xuất khẩu… gặp không ít khó khăn, thách thức: Nhiều lao động đã bị mất và thiếu việc làm, doanh nghiệp buộc phải giải thể do không có đơn hàng. Tuy nhiên, đến nay đã có tín hiệu tích cực khi hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều có đơn hàng sản xuất, chí ít đến hết 6 tháng đầu năm.
Một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang Mỹ cho biết, đến nay, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng đơn hàng đến tháng 7.2023, số lượng tương đương cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp sẽ đảm bảo đầy đủ tiến độ để xuất khẩu cho đối tác và đảm bảo công việc cho công nhân.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày khác cũng cho rằng ngay từ đầu năm mới đã có các đơn hàng được ký kết thành công với đối tác nước ngoài, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đến hết quý 2.2023. Đây được xem là tín hiệu tích cực đầu năm. Dù đơn hàng tăng mạnh đầu năm nhưng đơn giá vẫn không tăng. Một số doanh nghiệp xuất khẩu đặt kế hoạch năm nay mục tiêu tăng trưởng là 30 - 40%.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, sang năm 2023, ngành rau quả được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỉ USD, vượt xa năm 2022, vì vậy bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông sản cũng không ngơi nghỉ, gấp rút thu hoạch bắp cải cho lô hàng xuất khẩu đầu năm.
Bộ Công Thương dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay đặt mục tiêu tăng khoảng 6% so với năm 2022, vì vậy cùng với việc các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất khẩu đang nỗ lực tìm đối tác mới, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững.