Google giới thiệu Bard, đối thủ của ChatGPT: Sự thay đổi trong cách tiếp cận với AI

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:22, 07/02/2023

Google đang nghiên cứu chatbot Bard để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI. Dịch vụ AI đàm thoại này chỉ đang được thử nghiệm bởi một nhóm hạn chế.

Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, đã công bố dự án trong một bài đăng trên blog hôm nay, mô tả công cụ này là “dịch vụ AI đàm thoại thử nghiệm” sẽ trả lời các truy vấn của người dùng và tham gia vào các cuộc trò chuyện. Sundar Pichai cho biết phần mềm này sẽ có sẵn cho một nhóm “những người thử nghiệm đáng tin cậy ngày hôm nay, trước khi được phổ biến rộng rãi hơn cho công chúng trong những tuần tới”.

Chưa rõ chính xác những khả năng mà Bard sẽ có, nhưng dường như chatbot sẽ miễn phí như ChatGPT. Ảnh chụp màn hình khuyến khích người dùng đặt câu hỏi thực tế cho Bard, chẳng hạn như cách lập kế hoạch tắm cho em bé hoặc loại bữa ăn nào có thể được chế biến từ danh sách nguyên liệu cho bữa trưa.

Sundar Pichai viết: “Bard có thể là lối thoát cho sự sáng tạo và là bệ phóng cho sự tò mò, giúp bạn giải thích những khám phá mới từ Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA cho một đứa trẻ 9 tuổi hoặc tìm hiểu thêm về những tiền đạo giỏi nhất trong bóng đá hiện nay, sau đó nhận các bài tập để xây dựng kỹ năng của bạn”.

Giám đốc điều hành Google cũng lưu ý rằng Bard “dựa trên thông tin từ web để cung cấp các câu trả lời mới, chất lượng cao”, cho thấy nó có thể trả lời các câu hỏi về các sự kiện gần đây, điều mà ChatGPT gặp khó khăn.

Công bố vội vàng và thiếu thông tin về Bard là những dấu hiệu nhận biết về việc “báo động đỏ” được kích hoạt tại Google sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022. Mặc dù công nghệ cơ bản của ChatGPT không mang tính cách mạng nhưng quyết định của OpenAI về việc cung cấp hệ thống miễn phí trên web đã giúp hàng triệu người tiếp cận với hình thức tạo văn bản tự động mới lạ này. ChatGPT thực sự gây chấn động, với các cuộc thảo luận về tác động của chatbot này với giáo dục, công việc và tương lai của tìm kiếm trên internet - mối quan tâm đặc biệt của Google.

google-bard-doi-thu-chat-gpt.jpg
Google đang nghiên cứu chatbot Bard để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI

Đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI, Microsoft đã tận dụng thời điểm ChatGPT bùng nổ. Công ty được cho là đang tích hợp ChatGPT vào bộ máy tìm kiếm Bing cũng như các sản phẩm khác trong bộ phần mềm văn phòng của mình. Ảnh chụp màn hình hiển thị phiên bản Bing được tăng cường ChatGPT bị rò rỉ vào tuần trước.

Nhà sản xuất hệ điều hành Windows được cho đang xem xét tích hợp một số công nghệ AI ngôn ngữ vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.

Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng đang tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình. Công ty đã bắt đầu triển khai dịch vụ này vào tuần trước. Nó bao gồm một số mô hình AI do OpenAI tạo ra như GPT-3.5, Codex và DALL-E.

Microsoft được thiết kế cho các doanh nghiệp để sử dụng các mô hình của OpenAI về cơ bản bằng cách đóng gói GPT-3.5 với khả năng mở rộng quy mô mà người dùng mong đợi từ Azure cũng như các bổ sung về quản lý và xử lý dữ liệu.

Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty. OpenAI cho biết vẫn là một công ty có giới hạn lợi nhuận sau thỏa thuận này, cho phép họ tiếp tục huy động vốn.

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói: “Ba năm hợp tác vừa qua của chúng tôi thật tuyệt vời. Microsoft chia sẻ các giá trị của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục nghiên cứu độc lập của mình và hướng tới việc tạo ra AI tiên tiến mang lại lợi ích cho mọi người”.

Microsoft đã mua giấy phép độc quyền cho công nghệ cơ bản đằng sau GPT-3 vào năm 2020 sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI hồi năm 2019. Hãng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với OpenAI và cũng đang lên kế hoạch thêm mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh AI vào Bing được cung cấp bởi DALL-E 2 của OpenAI.

Dù có sức mạnh sâu rộng trong việc sử dụng trí tuê nhân tạo (AI) để hỗ trợ ChatGPT, Google đã thực hiện một phương pháp cẩn trọng hơn khi chia sẻ các công cụ của mình với công chúng. Google trước đây tạo ra LaMDA, mô hình ngôn ngữ làm nền tảng cho Bard, có sẵn thông qua ứng dụng AI Test Kitchen. Song phiên bản này cực kỳ hạn chế, chỉ có thể tạo văn bản liên quan đến một vài truy vấn.

Giống như những gã khổng lồ công nghệ khác, Google đã cảnh giác với phản ứng dữ dội từ công chúng với AI chưa được thử nghiệm. Các mô hình ngôn ngữ lớn như LaMDA và GPT-3.5 (hỗ trợ ChatGPT) có xu hướng đưa ra nội dung độc hại như ngôn từ kích động thù địch và tự tin khẳng định thông tin sai lệch, đến mức một giáo sư đã so sánh các hệ thống như vậy với “máy tạo nội dung nhảm nhí”, hầu như không khen ngợi cho công nghệ mà một số người nói sẽ thay thế các công cụ tìm kiếm. Chính Google đã khám phá những cạm bẫy của tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI vào năm 2021.

Sự ra mắt Bard sắp tới đánh dấu một bước thay đổi trong cách tiếp cận của Google với công nghệ này. Trong bài đăng trên blog của mình, Sundar Pichai nhấn mạnh rằng Google sẽ kết hợp “phản hồi bên ngoài với thử nghiệm nội bộ để đảm bảo phản hồi của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và tính có căn cứ của thông tin trong thế giới thực”, nhưng hệ thống có thể gây ra lỗi, thậm chí là nghiêm trọng.

Trong khi đó, Google cũng đang nhấn mạnh cách đã tích hợp AI vào nhiều sản phẩm của mình, gồm cả tìm kiếm. Trong vài năm qua, Google sử dụng AI để tóm tắt ngày càng nhiều kết quả tìm kiếm, hiển thị thông tin từ các trang web thay vì để người dùng tự nhấp và khám phá.

Từ bài đăng của Sundar Pichai, có vẻ như những tính năng này sẽ trở nên nổi bật hơn trong tương lai: “Chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ thấy các tính năng do AI cung cấp trong Search giúp chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm thành các định dạng dễ hiểu, vì vậy bạn có thể nhanh chóng hiểu được bức tranh toàn cảnh và tìm hiểu thêm từ web, dù đó là tìm kiếm các quan điểm bổ sung, chẳng hạn như blog của những người chơi cả piano và guitar hoặc tìm hiểu sâu hơn về một chủ đề liên quan, chẳng hạn như các bước để khởi đầu. Các tính năng AI mới này sẽ sớm được triển khai trên Google Search”.

Như thể vẫn chưa đủ, Google cũng sẽ tổ chức một sự kiện tập trung vào AI, tìm kiếm… vào ngày 8.2.

Google đang sử dụng AI để giúp những người đối mặt với bệnh tật và thiên tai, đồng thời mang đến cơ hội mới cho những cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ.

Tiềm năng của AI để giải quyết các vấn đề lớn đang tăng lên mọi lúc. Trong vài năm qua, AI và những đổi mới mang tính chuyển đổi đã trở nên quan trọng hơn khi người dân đối mặt với một số thách thức lớn nhất của xã hội.

Xem 7 cách Google dùng AI giải quyết các thách thức của xã hội, giúp thế giới tốt đẹp hơn tại đây.

Sơn Vân