Hôm nay 7.2, tòa án đã nhận đơn kiện VPF của Công ty cổ phần Thể thao HAGL

Thể thao - Ngày đăng : 10:20, 07/02/2023

Sáng 7.2, Công ty cổ phần Thể thao HAGL đã chính thức nộp đơn kiện Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lên Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - nơi VPF đặt trụ sở công ty và tòa án đã nhận đơn.

Cuộc chiến chống “tài trợ độc quyền” (cách gọi của bên HAGL) hay “tài trợ không cùng ngành hàng” (cách gọi của VPF) cuối cùng đã được đưa ra tòa để phán xử. Tòa án với vai trò cơ quan tư pháp sẽ vận dụng tất cả cơ sở pháp lý của pháp luật hợp đồng, pháp luật cạnh tranh, thậm chí là tập quán, án lệ, lẽ công bằng để đưa ra phán quyết.

Chắc chắn sẽ có bên thắng, bên thua, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu như hai bên sớm tìm được tiếng nói chung và không cần nhờ đến tòa án phân xử như cái cách HAGL và VPF đã cùng nhau đạt được sự “thỏa thuận ban đầu”: HAGL FC vẫn tham dự V-League 2023, đồng thời giải vô địch quốc gia 2023 không bị xáo trộn vào giờ chót.

Điều lệ độc quyền của VPF không còn phù hợp, trái với thông lệ quốc tế

Thể thao thế giới ngày nay không còn quy định độc quyền, nhãn hàng tài trợ giải đấu và các câu lạc bộ vẫn có thể trùng ngành hàng. Như nhãn hàng tiền ảo Coinbase là nhà tài trợ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) nhưng CLB Los Angeles Lakers vẫn có nhà tài trợ cùng lĩnh vực tiền ảo là cryto.com.

Hay gần như người Việt Nam nào hâm mộ bóng đá Anh đều biết, giải Ngoại hạng Anh (Premier League) cũng không cấm Ngân hàng Standard Chartered tài trợ cho CLB Liverpool, dù giải đấu này đang được Ngân hàng Barclays tài trợ.

Gần hơn nữa, người láng giềng bóng đá Thái Lan cũng không có “độc quyền” tài trợ hay là “không cùng ngành hàng tài trợ”: Toyota là nhà tài trợ Thai-League, nhưng CLB Nakhon Ratchasima vẫn thi đấu ở Thai-League dù CLB này ký hợp đồng tài trợ với nhãn hàng cùng lĩnh vực xe hơi là Mazda.

Vậy các bên đã giải quyết xung đột này như thế nào? Chúng ta cùng lướt nhanh Premier League, giải đấu có nhiều sáng kiến đi trước các giải vô địch quốc gia khác trên thế giới để đạt mục đích đẩy nhanh chất lượng, thương hiệu, hình ảnh Premier League; đồng thời gắn chặt với nhiều quyền lợi của các CLB, từ đó thúc đẩy nhiều người muốn đầu tư vào các CLB bóng đá Anh quốc.

Giữa thập niên 90 thế kỷ trước, có nghĩa là gần 30 năm qua, người Việt Nam đã liên tục xem trực tiếp các trận đấu ở Premier League và Ngân hàng Barclays là nhà tài trợ chính cho giải đấu từ năm 2001. 10 năm sau, Liverpool thông báo Standard Chartered trở thành nhà tài trợ chính của đội, mà Standard Chartered là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Barclays trong lĩnh vực ngân hàng.

Vậy Liverpool và Công ty Premier League, công ty tổ chức giải Ngoại hạng Anh đã giải quyết xung đột quyền lợi này ra sao khi hợp đồng tái ký giữa Công ty Premier League và Barclays vào năm 2012 có điều khoản không cho phép CLB của giải đấu nhận tài trợ từ bất cứ ngân hàng nào khác?

Thật ra trong thỏa thuận Công ty Premier League ký với Barclays vào năm 2012, cũng có điều khoản ngoại lệ cho phép các CLB Premier League nhận tài trợ với các ngân hàng khác ngoài Barclays nếu họ trở thành đối tác chính của CLB (dựa vào quy mô của hợp đồng). Với quy định là đối tác chính của Công ty Premier League, cũng như với Luật Chống độc quyền của EU, Liverpool được phép ký hợp đồng với nhà tài trợ Standard Chartered.

Sau đó, Công ty Premier League nhận thấy những điều khoản "bảo hộ" cho Barclays có thể làm hạn chế khả năng kiếm thêm tài trợ của các CLB tham dự giải đấu nên sau khi hợp đồng có điều khoản "độc quyền" 3 năm với Barclays kết thúc vào mùa giải 2015-16, Công ty Premier League thay đổi chiến lược kêu gọi tài trợ.

Kể từ mùa giải 2016-17, Premier League không còn mang tên gọi Barclays Premier League và trở về với tên Premier League. Barclays chấp nhận các thay đổi và hiện vẫn là nhà tài trợ chính của giải Ngoại hạng Anh đến mùa 2024-25. Trong khi đó, “cuộc tình” Liverpool - Standard Chartered vẫn mặn nồng: tháng 7.2022, Liverpool ký hợp đồng tài trợ mới với Standard Chartered có thời hạn đến mùa giải 2026-27.

“Độc quyền” đã trói buộc nguồn tài trợ của các CLB

Từ bài học Premier League - Liverpool, không khó để chúng ta thấy: Muốn phát triển, thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng, đã đến lúc - dù trễ - phải phá vỡ rào cản “độc quyền”!

Barclays - Premier League, cuộc tình dài lâu như thế mà còn điều chỉnh thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, huống chi là V-League và những cuộc tình ngắn hạn.

Kể từ năm 2000 (năm ra đời V-League) cho đến nay, giải đấu đã có đến 12 cuộc tình với những nhà tài trợ khác nhau. Đa phần những cuộc tình này chỉ kéo dài trong 1 năm như Pepsico, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Eurowindow, NutiFood, Masan. Cuộc tình bền nhất cũng chỉ trong 2 đến 3 năm như Strata, Petrovietnam, Eximbank, Toyota, LS Holdings và mới đây nhất là Night Wolf. Trong khi đó, cũng ngần ấy thời gian, cuộc tình Premier League - Barclays vẫn thủy chung, vẫn nồng thắm ở bóng đá Anh quốc.

Chúng ta thấy thể thao thế giới cũng như Premier League có điểm xuất phát giống như VPF đã và đang áp dụng tại V-League: Đó là điều khoản mang tính bảo vệ thương hiệu của nhà tài trợ với giải đấu, khi mức độ bảo hộ càng cao, số tiền các nhà tài trợ rót vào giải sẽ càng lớn và từ đây các thành viên tham dự giải sẽ được nhận càng nhiều!

Thế nhưng V-League dưới sự điều hành, tổ chức của VPF hoàn toàn khác theo chiều hướng tiêu cực. V-League vừa khó kiếm được nhà tài trợ giải trung thành, mà kiếm được thì khoản tiền tài trợ không nhiều, thậm chí khi VPF chia lại cho các CLB lại rất, rất ít.

Ví dụ như V-League 2022, sau khi trừ chi phí tham dự giải, HAGL chỉ còn nhận lại được 300 triệu đồng từ VPF. Trong khi đó tại V-League 2023, Carabao - cùng ngành hàng với nhà tài trợ V-League 2023, đã tài trợ cho HAGL FC đến 40 tỉ đồng/mùa bóng.

Rõ ràng quy định độc quyền trong tài trợ đã là rào cản tài chính cho các CLB. Nói thẳng như thế này: VPF là đơn vị đưa ra điều lệ nhưng lại mâu thuẫn với chính hợp đồng tài trợ của CLB. Do đó mối quan hệ này không công bằng. Lệnh cấm của VPF đang trói nguồn tài trợ của các CLB.

Học theo điều hay lẽ phải của thế giới, bóng đá Việt Nam cần hướng đến lợi ích dài hạn và không nên khuyến khích tài trợ giải (Title Sponsor). Cần hiểu rằng bên cạnh số tiền đầu tư từ các ông chủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp phía sau, nguồn tiền từ nhà tài trợ cũng rất quan trọng với CLB. Nguy hiểm nhất là nếu để nhà đầu tư thấy rủi ro, họ sẽ không dám tham gia từ đó không chỉ tác động xấu đến các CLB mà toàn nền bóng đá. Đó là chưa nói đến thực trạng cơ sở vật chất ngành bóng đá ở Việt Nam rất yếu kém, nếu không giải quyết và tạo được sức hút tài trợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền bóng đá nước nhà. Ví dụ điển hình là suốt những năm qua chúng ta thấy sân vận động quốc gia Mỹ Đình xuống cấp mà chưa có giải pháp “cứu” do chưa có được bài giải kinh phí!

Hay như giải Hạng Nhất 2023 ban đầu dự kiến sẽ khởi tranh vào đầu tháng 2 cùng thời gian với V-League 2023, nhưng nay sẽ phải dời đến đầu tháng 4. Lý do chưa xác định được số đội tham dự giải khi có đội gặp khó khăn về tài chính hoặc chưa có nhà tài trợ để có kinh phí tham dự giải.

***

Những quy định, điều lệ giải được đưa ra từ VPF đã lỗi thời và trái với thông lệ quốc tế. Điều lệ duy trì sự độc quyền của nhà tài trợ cần được sửa đổi, bởi sự độc quyền thường không mang lại những giá trị lớn hơn so với tự do cạnh tranh.

Công ty cổ phần Thể thao HAGL đã gửi kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan, ban ngành chức năng. Trong đó HAGL nêu rõ những vi phạm của VPF về “tài trợ độc quyền” và khẩn thiết kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), trong đó VFF có đến 35% cổ phần và 4/7 thành viên trong HĐQT VPF - chỉ đạo VPF sửa lại điều lệ giải bóng đá chuyên nghiệp 2023 cho phù hợp Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho HAGL nói riêng và các CLB khác có cơ hội chủ động kiếm nguồn tài trợ trong và ngoài nước, giúp cho hoạt động bóng đá Việt Nam phát triển, ổn định.

Đặng Hoàng