Chủ động phòng tránh bệnh về da và hô hấp trong mùa nồm ẩm

Sự kiện - Ngày đăng : 10:42, 07/02/2023

Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc đang trong mùa nồm ẩm khiến các bệnh về da và hô hấp tăng lên.

Bệnh đường hô hấp, hen phế quản

Trời nồm có độ ẩm cao và nhiệt độ tương đối thấp thường tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh và phát tán trong không khí. Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta dễ mắc các căn bệnh đường hô hấp.

Các căn bệnh dễ mắc khi trời nồm là dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp… Các bệnh này rất nguy hiểm bởi có thể trở thành mãn tính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì thế, chúng ta cần tự bảo vệ mình trước các tác nhân gây bệnh.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, thời tiết nồm ẩm là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh như nấm mốc, vi khuẩn, vi rút sinh sôi. Các bệnh lý hàng đầu thường phát sinh trong thời tiết này bao gồm: Cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp. Nồm ẩm cũng làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản...

Để phòng tránh bạn cần bảo vệ mình trước các tác nhân gây dị ứng, sử dụng khẩu trang hoạt tính, bổ sung vitamin C. Chú ý phải luôn mang theo bình xịt giãn khí quản nếu bạn bị hen.

dot-quy-4.png
Người già và trẻ em rất dễ mắc bệnh đường hô hấp ở mùa nồm ẩm

Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo để chủ động phòng ngừa bệnh trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, cần loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh từ không gian sống (giữ nhà cửa sạch sẽ, khô ráo bằng việc sử dụng máy hút ẩm, hoặc điều hòa không khí, nếu không có nên đóng kín các cửa sổ để hạn chế hơi ẩm vào nhà. Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước); tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tiêm phòng vắc xin là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa những bệnh lây truyền do vi rút. 

Bệnh thủy đậu

Thời gian sau Tết cũng là thời điểm dịch thủy đậu "vào mùa". Đây là loại bệnh lây nhiễm nhưng thường ở thể nhẹ, do vi rút Varicella Zoster gây ra. Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua đường hô hấp (nước bọt, hắt hơi, dịch tiết từ mũi của người bệnh) hoặc qua tiếp xúc với mụn nước, tiếp xúc với quần áo, vải trải giường... dễ bị mắc bệnh. Khoảng 90% số người chưa chủng ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt, thời gian lây bệnh thường kéo dài và người bị thủy đậu có khả năng lây nhiễm cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban.

Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng nếu gãi nhiều do ngứa, làm cho mụn bị vỡ ra gây nhiễm trùng để lại sẹo lõm. Nguy hiểm hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây biến chứng như: giảm tiểu cầu, viêm tủy cắt ngang, liệt thần kinh mặt, rối loạn tiểu não, viêm cơ tim, viêm màng não, viêm thần kinh... Vì vậy, cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng thủy đậu và tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Khi bị mắc bệnh, cần đi khám để được chỉ định điều trị đúng.

Các bệnh da liễu trên da

Trời nồm thường khiến cho làn da của chúng ta trở nên ẩm ướt và tiết nhiều dầu hơn. Không những thế, độ ẩm không khí cao còn khiến cho các vi khuẩn, bụi bẩm xâm nhập và phát triển, từ đó gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm về da như viêm da, dị ứng, mụn bọc, mụn mủ, trứng cá...

Để phòng ngừa xuất hiện các bệnh về da, TS-BS Trần Cẩm Vân, Trưởng khoa Xét nghiệm Vi sinh-Nấm-Ký sinh trùng, Bệnh viện Da liễu Trung ương lưu ý người mắc bệnh về da, hằng ngày, sau khi ra đường và nhất là ở nơi có nhiều khói bụi, nơi đông người về, bạn cần làm sạch da để tránh bụi tích tụ trên da, không nhất thiết phải rửa với sữa rửa mặt.

Mỗi ngày chỉ cần rửa bằng sữa rửa mặt từ 2-3 lần và tuyệt đối không mặc quần áo khi còn đang ẩm. Hãy sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là với trẻ em vì trời ẩm khiến quần áo sau giặt thường thiếu nắng, lâu khô khi mặc trên người dễ gây ngứa ngáy trên da.

Cần ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ, các loại hoa quả để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh. Uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế ăn các đồ cay nóng cũng là cách để phòng tránh các bệnh về da. Khi xuất hiện các triệu chứng của các bệnh về da như: Viêm da, dị ứng, mẩn ngứa… bạn không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Dạ Thảo (Tổng hợp)