Bài toán thu ngân sách gặp nhiều thử thách trong năm 2023

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:02, 08/02/2023

Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến cuối năm, dự báo thu NSNN sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, để bù đắp các nguồn thu sụt giảm, ngành Thuế đã chủ động đánh giá từng khoản thu, triển khai các giải pháp tăng thu

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 1.2023, tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 183,7 nghìn tỉ đồng, bằng 11,3% dự toán. So với tháng 1.2022, kết quả này thấp hơn 0,5%. Trong cơ cấu thu, thu nội địa tăng nhẹ và thu từ dầu thô tăng mạnh nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, thu nội địa ước đạt 160,4 nghìn tỉ đồng, bằng 12% dự toán, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu từ dầu thô ước đạt 5,3 nghìn tỉ đồng, bằng 12,6% dự toán, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 28 nghìn tỉ đồng, bằng 6,6% dự toán và chỉ bằng 65% so với cùng kỳ năm 2022. Bộ Tài chính cho biết, cập nhật số liệu thu trên hệ thống TABMIS, thu NSNN đến hết ngày 1.2.2023 đạt 213 nghìn tỉ đồng, bằng 13,1% dự toán; trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 14,26% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 11,87% dự toán.

Về nguyên nhân, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn, do một số ngành, lĩnh vực khó khăn nên nợ thuế tăng, do vậy, bên cạnh thực hiện quy trình quản lý nợ, Ngành đã có giải pháp cho từng địa phương, hỗ trợ DN, đảm bảo giảm nợ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, ôtô…

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến cuối năm, dự báo thu NSNN sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, để bù đắp các nguồn thu sụt giảm, ngành Thuế đã chủ động đánh giá từng khoản thu, triển khai các giải pháp tăng thu, cùng với đó triển khai kịp thời các gói hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất cho người dân, DN. Ngành Thuế cũng đang khẩn trương tham mưu và đã trình Bộ thành lập Trung tâm dữ liệu về hóa đơn điện tử, góp phần đảm bảo hạn chế rủi ro; quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đây là một trong những kênh hỗ trợ trong quản lý chống thất thu trên mọi lĩnh vực; đẩy mạnh triển khai đề án xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối với các bộ, ngành liên quan như xây dựng, tài nguyên môi trường… nhằm có dữ liệu chống thất thu trong giao dịch bất động sản; tăng cường kỷ cương kỷ luật trong toàn ngành, hạn chế tối đa rủi ro trong quản lý thu.

Ngay từ cuối năm 2022, ngành Thuế đã nhận diện được những khó khăn, do đó, đầu năm 2023, trên cơ sở đánh giá tình hình các ngành, lĩnh vực gồm chứng khoán, bất động sản, thép, xây dựng…, Tổng cục Thuế đã đưa ra phân tích, nhận định khả năng giảm thu để kiểm tra, tìm kiếm nguồn thu bù đắp, bảo đảm hoàn thành kết quả thu cả năm.

Mặc dù việc thu ngân sách gặp khó khăn, nhưng Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Theo dự thảo nghị định, với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 1 đến tháng 5.2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6.2023 và quý II/2023. Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6.2023 và quý I, quý II năm 2023 là khoảng 64 - 65 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của năm 2023 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31.12.2023.

Đối với thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42,8- 43,6 nghìn tỉ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2023 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này chậm nhất là ngày 30.12.2023.

Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31.5 đến ngày 30.11.2023.

Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3,5 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2023 không giảm do doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 30.11.2023.

Năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế ước tính khoảng 233,5 nghìn tỉ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Trong năm 2022, thực hiện chính sách gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP: tổng số thuế, tiền thuê đất của NNT thuộc diện được gia hạn ước khoảng 96,316 nghìn tỉ đồng (trong đó, thuế GTGT ước khoảng 53,873 nghìn tỉ đồng, Thuế GTGT và TNCN, cho thuê tài sản của hộ, cá nhân kinh doanh ước khoảng 266 tỉ đồng, thuế TNDN ước khoảng 40 nghìn tỉ đồng, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 2,176 nghìn tỉ đồng).

H.Đ