Apple tổ chức Hội nghị thượng đỉnh AI: Sự kiện hoàn toàn trực tiếp đầu tiên kể từ trước đại dịch

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:22, 07/02/2023

Apple sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh AI (trí tuệ nhân tạo) hàng năm dành cho nhân viên vào tuần tới tại Nhà hát Steve Jobs. Đây là sự kiện hoàn toàn trực tiếp đầu tiên tại trụ sở Apple Park của công ty kể từ thời kỳ trước đại dịch.

Theo cây viết Mark Gurman của trang Bloomberg, hội nghị thượng đỉnh này tương tự như Hội nghị Các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC), nhưng chỉ dành cho nhân viên.

Cùng với việc mời nhân viên đến Nhà hát Steve Jobs, hội nghị cũng sẽ được phát trực tiếp cho những người lao động không thể tham dự, tương tự như cách Apple tổ chức các sự kiện công bố sản phẩm trước khi đại dịch xảy ra.

Sự kiện sản phẩm hoàn toàn trực tiếp gần nhất là dành cho ‌iPhone‌ 11, được tổ chức vào ngày 10.9.2019. Liệu hội nghị thượng đỉnh AI có phải là dấu hiệu cho thấy các sự kiện sản phẩm Apple trong tương lai cuối cùng sẽ trở lại với hình thức truyền thống hay không,  là câu hỏi của nhiều người.

Apple đã mời một số nhà phát triển hạn chế tham dự WWDC 2022 tại Apple Park, nhưng bản thân sự kiện này đã được ghi hình trước, không có người thuyết trình trực tiếp để giới thiệu những sự sáng tạo mới nhất của công ty.

Giới truyền thông cũng được mời tham dự buổi ra mắt dòng iPhone 14 vào tháng 9.2022, nhưng bài phát biểu quan trọng đó cũng được ghi hình trước.

Mark Gurman lưu ý hội nghị thượng đỉnh AI mới của Apple diễn ra vào thời điểm có nhiều sự phấn khích trong ngành công nghệ xung quanh chatbot ChatGPT (do công ty khởi nghiệp OpenAI tạo ra và Microsoft hậu thuẫn) cùng thông báo từ Google rằng họ sẽ phát hành chatbot AI mang tên Bard.

apple-to-chuc-hoi-nghi-thuong-dinh-ai.jpg
Hội nghị thượng đỉnh AI tại Nhà hát Steve Jobs là sự kiện hoàn toàn trực tiếp của Apple đầu tiên kể từ trước đại dịch - Ảnh: Internet

Google đang thêm công nghệ đằng sau Bard vào bộ máy tìm kiếm Google để cho phép chắt lọc các truy vấn phức tạp thành các câu trả lời dễ hiểu và Microsoft dự kiến sẽ đi theo con đường tương tự bằng cách tích hợp ChatGPT vào Bing.

Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, đã công bố dự án Bard trong một bài đăng trên blog hôm nay, mô tả công cụ này là “dịch vụ AI đàm thoại thử nghiệm” sẽ trả lời các truy vấn của người dùng và tham gia vào các cuộc trò chuyện. Ông cho biết phần mềm này sẽ có sẵn cho một nhóm “những người thử nghiệm đáng tin cậy ngày hôm nay, trước khi được phổ biến rộng rãi hơn cho công chúng trong những tuần tới”.

Chưa rõ chính xác những khả năng mà Bard sẽ có, nhưng dường như chatbot sẽ miễn phí như ChatGPT. Ảnh chụp màn hình khuyến khích người dùng đặt câu hỏi thực tế cho Bard, chẳng hạn như cách lập kế hoạch tắm cho em bé hoặc loại bữa ăn nào có thể được chế biến từ danh sách nguyên liệu cho bữa trưa.

Sundar Pichai viết: “Bard có thể là lối thoát cho sự sáng tạo và là bệ phóng cho sự tò mò, giúp bạn giải thích những khám phá mới từ Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA cho một đứa trẻ 9 tuổi hoặc tìm hiểu thêm về những tiền đạo giỏi nhất trong bóng đá hiện nay, sau đó nhận các bài tập để xây dựng kỹ năng của bạn”.

Giám đốc điều hành Google cũng lưu ý rằng Bard “dựa trên thông tin từ web để cung cấp các câu trả lời mới, chất lượng cao”, cho thấy nó có thể trả lời các câu hỏi về các sự kiện gần đây, điều mà ChatGPT gặp khó khăn.

Công bố vội vàng và thiếu thông tin về Bard là những dấu hiệu nhận biết về việc “báo động đỏ” được kích hoạt tại Google sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022. Mặc dù công nghệ cơ bản của ChatGPT không mang tính cách mạng nhưng quyết định của OpenAI về việc cung cấp hệ thống miễn phí trên web đã giúp hàng triệu người tiếp cận với hình thức tạo văn bản tự động mới lạ này. ChatGPT thực sự gây chấn động, với các cuộc thảo luận về tác động của chatbot này với giáo dục, công việc và tương lai của tìm kiếm trên internet - mối quan tâm đặc biệt của Google.

Dù có sức mạnh sâu rộng trong việc sử dụng AI để hỗ trợ ChatGPT, Google đã thực hiện một phương pháp cẩn trọng hơn khi chia sẻ các công cụ của mình với công chúng. Google trước đây tạo ra LaMDA, mô hình ngôn ngữ làm nền tảng cho Bard, có sẵn thông qua ứng dụng AI Test Kitchen. Song phiên bản này cực kỳ hạn chế, chỉ có thể tạo văn bản liên quan đến một vài truy vấn.

Giống như những gã khổng lồ công nghệ khác, Google đã cảnh giác với phản ứng dữ dội từ công chúng với AI chưa được thử nghiệm. Các mô hình ngôn ngữ lớn như LaMDA và GPT-3.5 (hỗ trợ ChatGPT) có xu hướng đưa ra nội dung độc hại như ngôn từ kích động thù địch và tự tin khẳng định thông tin sai lệch, đến mức một giáo sư đã so sánh các hệ thống như vậy với “máy tạo nội dung nhảm nhí”, hầu như không khen ngợi cho công nghệ mà một số người nói sẽ thay thế các công cụ tìm kiếm. Chính Google đã khám phá những cạm bẫy của tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI vào năm 2021.

Sự ra mắt Bard sắp tới đánh dấu một bước thay đổi trong cách tiếp cận của Google với công nghệ này. Trong bài đăng trên blog của mình, Sundar Pichai nhấn mạnh rằng Google sẽ kết hợp “phản hồi bên ngoài với thử nghiệm nội bộ để đảm bảo phản hồi của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và tính có căn cứ của thông tin trong thế giới thực”, nhưng hệ thống có thể gây ra lỗi, thậm chí là nghiêm trọng.

Trong khi đó, Google cũng đang nhấn mạnh cách đã tích hợp AI vào nhiều sản phẩm của mình, gồm cả tìm kiếm. Vài năm qua, Google sử dụng AI để tóm tắt ngày càng nhiều kết quả tìm kiếm, hiển thị thông tin từ các trang web thay vì để người dùng tự nhấp và khám phá.

Từ bài đăng của Sundar Pichai, có vẻ như những tính năng này sẽ trở nên nổi bật hơn trong tương lai: “Chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ thấy các tính năng do AI cung cấp trong Search giúp chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm thành các định dạng dễ hiểu, vì vậy bạn có thể nhanh chóng hiểu được bức tranh toàn cảnh và tìm hiểu thêm từ web, dù đó là tìm kiếm các quan điểm bổ sung, chẳng hạn như blog của những người chơi cả piano và guitar hoặc tìm hiểu sâu hơn về một chủ đề liên quan, chẳng hạn như các bước để khởi đầu. Các tính năng AI mới này sẽ sớm được triển khai trên Google Search”.

Không những thế, Google cũng sẽ tổ chức một sự kiện tập trung vào AI, tìm kiếm… vào ngày 8.2.

Trước đó, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, cũng gọi generative AI là "lĩnh vực mới cực kỳ thú vị" hôm 1.2 trong cuộc gọi hội nghị đã nhắc đến cụm từ này 30 lần, tăng từ 22 lần so với quý 3/2022.

Generative AI là hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra các nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh dựa trên những mẫu đã học được từ dữ liệu sẵn có.

Mark Zuckerberg cho biết người dùng có thể mong đợi công ty "ra mắt một số thứ khác nhau năm nay" trong generative AI.

Tỷ phú công nghệ 38 tuổi nói Meta Platforms có kế hoạch kết hợp công nghệ mới trên hầu hết sản phẩm của mình, chẳng hạn tạo hình ảnh, video, hình đại diện và nội dung 3D.

Ông nói phần mềm này sẽ giúp những người sáng tạo nội dung sản xuất nhiều hơn trên các ứng dụng của Meta Platforms. Theo Nicola Mendelsohn, Phó chủ tịch nhóm kinh doanh toàn cầu của Meta Platforms, các nhà tiếp thị có thể sử dụng generative AI để hỗ trợ viết nội dung cho các bài đăng trả phí của họ hoặc tạo hình ảnh và video.

Mark Zuckerberg nói: “Một trong những mục tiêu của tôi với Meta Platforms là dựa trên nghiên cứu của chúng tôi để trở thành công ty hàng đầu về generative AI”.

Ngay cả tại Apple, nơi phần cứng như iPhone đã thống trị, AI là một phần quan trọng của tương lai.

Khi được một nhà phân tích hỏi về chiến lược AI của Apple, Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết công ty đang sử dụng công nghệ như vậy để cung cấp năng lượng cho các tính năng như phát hiện tai nạn ô tô trong iPhone và Apple Watch, đồng thời nó sẽ được áp dụng vào các sản phẩm và dịch vụ của Apple.

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trong không gian này sẽ ảnh hưởng đến hầu như mọi thứ chúng tôi làm. Đó rõ ràng là một công nghệ theo chiều ngang, không phải theo chiều dọc. Do đó, nó sẽ ảnh hưởng đến mọi sản phẩm và mọi dịch vụ mà chúng tôi có", Tim Cook chia sẻ.

Sơn Vân