Cải tiến Bing và Edge bằng AI, Microsoft đặt tham vọng chiếm vị trí dẫn đầu của Google
Thế giới số - Ngày đăng : 08:20, 08/02/2023
Nhà sản xuất hệ điều hành Windows đang đặt tương lai của mình vào AI thông qua khoản đầu tư hàng tỉ USD khi trực tiếp thách thức Google của Alphabet.
Công ty có trụ sở ở thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ) từng thống trị thế giới công nghệ, nhưng đã mất vị trí dẫn đầu trên thị trường tìm kiếm và trình duyệt vào tay Google.
Hợp tác với OpenAI (công ty khởi nghiệp tạo ra chatbot ChatGPT), Microsoft đang hướng tới mục tiêu vượt qua Google và có khả năng thu được lợi nhuận khổng lồ từ các công cụ tăng tốc độ tạo nội dung, tự động hóa các nhiệm vụ… Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm dành cho doanh nghiệp, chẳng hạn như điện toán đám mây và các công cụ cộng tác, cũng như internet tiêu dùng.
Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn tại trụ sở chính của công ty ở Redmond: “Công nghệ này sẽ định hình lại hầu hết mọi danh mục phần mềm”.
Thị phần tìm kiếm của Microsoft đã giảm xuống còn khoảng 1/10. Một lãnh đạo Microsoft nói rằng mỗi điểm phần trăm tăng thị phần trở lại sẽ giúp đem lại 2 tỉ USD doanh thu.
Nhiều nhà đầu tư coi công nghệ mới là chiến thắng cho tất cả người chơi. Cổ phiếu Microsoft chốt phiên 7.2 tăng hơn 4,2% và đang ở mức 267,56 USD, trong khi cổ phiếu Alphabet cũng tăng 4,6% lên 107,64 USD.
Sức mạnh của cái gọi là generative AI (hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra các nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh dựa trên những mẫu đã học được từ dữ liệu sẵn có) xuất hiện trước công chúng vào năm ngoái với việc OpenAI phát hành ChatGPT.
Phản ứng giống như con người của ChatGPT với bất kỳ lời nhắc nào đã mang đến cho mọi người những cách nghĩ mới về khả năng tiếp thị, viết bài luận học kỳ, phổ biến tin tức hoặc thậm chí là cách truy vấn thông tin trực tuyến.
Công cụ tìm kiếm Bing mới với ChatGPT hiện có trong bản xem trước giới hạn trên máy tính để bàn và sẽ khả dụng cho thiết bị di động trong vài tuần tới.
Yusuf Mehdi, Giám đốc Tiếp thị Tiêu dùng của Microsoft, cho biết Bing sẽ được hỗ trợ bởi AI và chạy trên một "mô hình ngôn ngữ lớn" mới mạnh hơn ChatGPT. Chatbot sẽ giúp người dùng tinh chỉnh các truy vấn dễ dàng hơn, đưa ra kết quả phù hợp hơn, cập nhật hơn và thậm chí giúp mua sắm dễ dàng hơn.
Microsoft đang nhắm đến việc tiếp thị công nghệ của OpenAI, gồm cả ChatGPT, cho các khách hàng trên nền tảng đám mây của mình và bổ sung sức mạnh tương tự cho bộ sản phẩm của mình, trong đó có tìm kiếm.
Nhà phân tích Jason Wong của công ty Gartner nhận định: “Trong ngắn hạn, sự hợp tác với OpenAI phù hợp hơn với các khách hàng doanh nghiệp của họ". Tuy nhiên, ông nói điều đó cũng có thể mang lại cơ hội đột phá trong các doanh nghiệp tiêu dùng.
"Ngoại trừ game, Microsoft không phải là công ty hàng đầu trong các công nghệ tiêu dùng quan trọng, chẳng hạn như tìm kiếm, di động và phương tiện truyền thông xã hội", Jason Wong nói thêm.
Hôm 7.2, Google đã giới thiệu chatbot có tên là Bard, trong khi đang lên kế hoạch phát hành AI cho công cụ tìm kiếm của mình để có thể tổng hợp tài liệu khi không có câu trả lời đơn giản nào tồn tại trực tuyến.
Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, mô tả Bard là “dịch vụ AI đàm thoại thử nghiệm” sẽ trả lời các truy vấn của người dùng và tham gia vào các cuộc trò chuyện. Ông cho biết phần mềm này sẽ có sẵn cho một nhóm “những người thử nghiệm đáng tin cậy ngày hôm nay, trước khi được phổ biến rộng rãi hơn cho công chúng trong những tuần tới”.
Chưa rõ chính xác những khả năng mà Bard sẽ có, nhưng dường như chatbot sẽ miễn phí như ChatGPT. Ảnh chụp màn hình khuyến khích người dùng đặt câu hỏi thực tế cho Bard, chẳng hạn như cách lập kế hoạch tắm cho em bé hoặc loại bữa ăn nào có thể được chế biến từ danh sách nguyên liệu cho bữa trưa.
Sundar Pichai viết: “Bard có thể là lối thoát cho sự sáng tạo và là bệ phóng cho sự tò mò, giúp bạn giải thích những khám phá mới từ Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA cho một đứa trẻ 9 tuổi hoặc tìm hiểu thêm về những tiền đạo giỏi nhất trong bóng đá hiện nay, sau đó nhận các bài tập để xây dựng kỹ năng của bạn”.
Giám đốc điều hành Google cũng lưu ý rằng Bard “dựa trên thông tin từ web để cung cấp các câu trả lời mới, chất lượng cao”, cho thấy nó có thể trả lời các câu hỏi về các sự kiện gần đây, điều mà ChatGPT gặp khó khăn.
Từ bài đăng của Sundar Pichai, có vẻ như Bard sẽ trở nên nổi bật hơn trong tương lai: “Chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ thấy các tính năng do AI cung cấp trong Search giúp chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm thành các định dạng dễ hiểu, vì vậy bạn có thể nhanh chóng hiểu được bức tranh toàn cảnh và tìm hiểu thêm từ web, dù đó là tìm kiếm các quan điểm bổ sung, chẳng hạn như blog của những người chơi cả piano và guitar hoặc tìm hiểu sâu hơn về một chủ đề liên quan, chẳng hạn như các bước để khởi đầu. Các tính năng AI mới này sẽ sớm được triển khai trên Google Search”.
Quyết định cập nhật trình duyệt Edge với AI của Microsoft sẽ tăng cường cạnh tranh với Google Chrome.
Daniel Ives, một nhà phân tích từ công ty Wedbush Securities, cho biết sự cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm hiện là một trong những cuộc chiến lớn nhất trong ngành.
"Thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin trên internet"
Giám đốc điều hành Microsoft cho biết Bing phiên bản mới sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin trên internet.
Công cụ tìm kiếm do AI hỗ trợ sẽ có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng bằng ngôn ngữ đơn giản, tổng hợp những gì Bing tìm thấy trên web và trong kho dữ liệu của chính nó, thay vì chỉ đưa ra các liên kết đến các trang web.
Tại sự kiện, Yusuf Mehdi đã trình diễn cách công cụ tìm kiếm được tăng cường AI sẽ giúp việc mua sắm và tạo email trở nên dễ dàng hơn. Ông đã chỉ ra cách Bing có thể ước tính, ví dụ liệu một loại trường kỷ (ghế truyền thông) nhất định có thể vừa với cốp sau ô tô hay không bằng cách tập hợp dữ liệu web về kích thước ô tô của một người.
Trong quý 4/2022, Alphabet báo cáo thu nhập ròng giảm xuống 13,62 tỉ USD (tương đương 1,05 USD trên mỗi cổ phiếu) từ 20,64 tỉ USD (tương đương 1,53 USD trên mỗi cổ phiếu) cùng kỳ năm 2021. Đó là mức giảm mạnh nhất của Alphabet trong bốn quý.
Theo công ty Refinitiv, lợi nhuận điều chỉnh của Alphabet là 1,05 USD trên mỗi cổ phiếu, giảm so với mức dự kiến là 1,18 USD trên mỗi cổ phiếu.
Doanh thu từ quảng cáo của Google trong quý 4/2022, bao gồm Search và YouTube, giảm 3,6% xuống còn 59,04 tỉ USD. Tổng doanh thu của Alphabet trong quý 4/2022 tăng 1% lên 76,05 tỉ USD (thấp hơn so với kỳ vọng 76,53 tỉ USD từ các nhà phân tích), tăng trưởng chậm nhất từ trước đến nay ngoại trừ mức giảm nhẹ trong quý 2/2020.
Google là nền tảng quảng cáo kỹ thuật số lớn nhất thế giới tính theo thị phần, khiến nó đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trong chi tiêu tiếp thị trực tuyến. Bộ phận YouTube của Google đã phải đối mặt với sự gia tăng đột biến các nền tảng đối thủ, đặc biệt là TikTok, với những đoạn video ngắn cuộn vô tận đang thu hút người dùng trẻ tuổi.
Doanh thu từ quảng cáo YouTube, một trong những công cụ kiếm tiền ổn định nhất của Alphabet, đã giảm gần 8% xuống còn 7,96 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với ước tính 8,25 tỉ USD, theo công ty FactSet.
Doanh thu của Microsoft trong quý 4/2022 là 52,7 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn một chút so với dự đoán của các nhà phân tích. Mức tăng quý này của Microsoft cũng là tăng thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lợi nhuận ròng quý 4/2022 của Microsoft chỉ đạt 16,4 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2022.
Doanh thu của Microsoft từ tìm kiếm và quảng cáo tin tức là 3,2 tỉ USD.
Phía sau sự hợp tác giữa Microsoft với OpenAI là kế hoạch đầu tư vào phát triển siêu máy tính và hỗ trợ đám mây để công ty khởi nghiệp có thể phát hành công nghệ tinh vi hơn và nhắm vào mức độ trí thông minh máy mơ ước trong viễn tưởng khoa học.
Tuy nhiên, kết quả của sự hợp tác này là ngay tức thì. Tuần trước, Microsoft đã công bố AI từ OpenAI sẽ tạo ghi chú cuộc họp trong Teams (phần mềm cộng tác của Microsoft) cũng như đề xuất trả lời email cho các nhà cung cấp sử dụng gói đăng ký Viva Sales (ứng dụng quản lý bán hàng của Microsoft).