Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vào top 50 bảng xếp hạng lưới điện thông minh trên thế giới

Thông tin doanh nghiệp - Ngày đăng : 11:00, 08/02/2023

Lưới điện thông minh là một mạng lưới điện có thể tích hợp hiệu quả hành vi và hành động của tất cả người dùng được đấu nối với hệ thống (nhà máy điện, người tiêu thụ điện và những đơn vị vừa phát điện và tiêu thụ điện) để đảm bảo hệ thống điện bền vững.

Lưới điện thông minh sử dụng các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo cùng với các công nghệ giám sát, điều khiển, truyền thông và tự thích nghi thông minh để:

  • Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc kết nối và vận hành các nguồn phát điện ở mọi quy mô và công nghệ;
  • Cho phép người tiêu dùng tham gia tối ưu hóa hoạt động của hệ thống;
  • Cung cấp cho người tiêu dùng nhiều thông tin hơn và có khả năng lựa chọn nguồn cung cấp;
  • Giảm đáng kể tác động môi trường đến toàn bộ hệ thống cung cấp điện;
  • Nâng cao mức độ cung cấp nguồn, đảm bảo an ninh và tin cậy.

1. Tổng quan về xây dựng Lưới điện thông minh trên thế giới và sự cần thiết đối với sự phát triển của TP.HCM

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26) được tổ chức ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 13 tháng 11 năm 2021, lãnh đạo 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) ngày 13.11.2021. Theo đó, khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và đảm bảo an ninh năng lượng, từ những năm 2000, các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đã bắt đầu thúc đẩy phát triển các nguồn phát điện sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, điện từ đốt rác,… Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo (thường là các nguồn phân tán) cùng với những tiến bộ công nghệ số đang có những tác động mạnh mẽ tới sự phát triển Lưới điện thông minh tại các Quốc gia trên thế giới. Sự tích hợp ngày càng nhiều của các nguồn năng lượng phân tán vào lưới điện truyền tải và phân phối đặt ra những thách thức mới đối với các công ty điện lực, vì lưới điện truyền thống chưa được thiết kế để xử lý sự tương tác từ hai chiều giữa nguồn phát điện và các phụ tải cũng như các đặc tính thay đổi liên tục của nguồn năng lượng phân tán. Bên cạnh đó, những thách thức như đáp ứng các mục tiêu môi trường, thay đổi nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng đã thúc đẩy các công ty điện lực chuyển đổi lưới điện hiện hữu thành Lưới điện thông minh.

z4092795513648_df2da53da6f9875d02083505d8185cc0.jpg

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Với vai trò đầu tàu trong nền kinh tế Quốc gia, TP.HCM chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số của Việt Nam, nhưng chiếm tới 20,5% tổng sản phẩm GDP, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và 37,9% dự án nước ngoài. Trong quá trình phát triển, Thành phố tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng ngành dịch vụ và công nghiệp với tỉ trọng ngày càng cao. Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 62% trong GRDP của Thành phố. Lĩnh vực công nghiệp tập trung tại 4 khu chế xuất (3 KCX Linh Trung và KCX Tân Thuận) và 19 khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư sản xuất, trong đó có một số tên tuổi khổng lồ của thế giới như Intel, Samsung. Về thu ngân sách trên địa bàn, theo Cục Thống kê, năm 2019, TP.HCM đạt 410.416 tỉ đồng; năm 2020 đạt 371.000 tỉ đồng; năm 2021 đạt 383.703 tỉ đồng (vượt hơn 5% dự toán) và là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%). Ngoài ra, TP.HCM cũng luôn đi đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), ứng dụng KHCN trong cả nước. Trong các năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM có những hoạt động mạnh mẽ. Ước tính, lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các doanh nghiệp khởi nghiệp là 1,1 tỉ USD. Con số này chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm trên cả nước, chứng tỏ TP.HCM vẫn là cái nôi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Điện là hạ tầng quan trọng hàng đầu, cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế và an sinh xã hội. Với vị trí và vai trò của Thành phố trong nền kinh tế Việt Nam như đã trình bày ở trên, nhu cầu tiêu thụ điện bình quân của các nhóm tiêu dùng như hộ gia đình, thương mại, và công nghiệp ở TP.HCM luôn cao hơn so với các thành phố khác. Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ toàn Thành phố trong giai đoạn 2013-2019 là 7%/năm, đáp ứng đầy đủ cho tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình 7%-9%/năm. Trong các giai đoạn phát triển sắp tới, dự báo nhu cầu điện tiêu thụ tiếp tục tăng để đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM.

Sản lượng điện thương phẩm năm 2022 của Thành phố đạt 27 tỉ kWh, chiếm khoảng 11,1% sản lượng tiêu thụ điện của cả nước (242,3 tỉ kWh), công suất đỉnh đạt 4.529MW, cũng chiếm xấp xỉ 10% công suất đỉnh của cả nước (45.528MW), sản lượng ngày cao nhất đạt 92,1 triệu kWh. Trong đó, thành phần phục vụ quản lý, tiêu dùng dân cư chiếm 44,9%; thành phần điện phục vụ công nghiệp, xây dựng chiếm 34,79%; còn lại là các thành phần thương nghiệp, khách sạn, nông lâm, thủy, hải sản…

z4092795534349_c63a15cd338a9881fd37ab384e740eda.jpg

Kế thừa và tiếp nối tinh thần đổi mới sáng tạo của Thành phố, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng luôn là đơn vị tiên phong trong Ngành Điện về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, ví dụ như Chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới như bảo trì theo hướng tiên tiến, sửa chữa điện không cần cắt điện… và đặc biệt là xây dựng hệ thống Lưới điện thông minh là một đòi hỏi tất yếu khách quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng; đồng thời thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, quan tâm đến môi trường theo mục tiêu góp phần giúp Thành phố trở thành nhân tố chủ động và tích cực đóng góp cho cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

2. Kết quả đánh giá lưới điện thông minh của EVNHCMC năm 2022 do SP Group thực hiện:

Theo kết quả đánh giá lưới điện thông minh năm 2022 do SP Group công bố, EVNHCMC đã đạt 71,4 điểm (bằng điểm với các công ty điện lực Western Power – Úc, Duke Energy – Mỹ, Toronto Hydro – Canada và TNB – Malaysia), tăng 3,6 điểm và 6 hạng so với bảng đánh giá năm 2021 (67,9 điểm, xếp hạng 53/86) với chỉ số nổi bật là Giám sát và điều khiển, đạt vị trí 47/94 công ty điện lực và đứng vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau SP Group với 75 điểm, xếp hạng 42/94).

EVNHCMC
Điểm
+/-
Xếp hạng
Năm 2019
33,9
70/75
Năm 2020
51,8
⮙ 17,9
70/85
Năm 2021
67,9
⮙ 16,1
53/86
Năm 2022
71.4
⮙ 3,6
47/94

Điểm đánh giá của một số Công ty Điện lực khác năm 2022:

STT
CTĐL
Quốc Gia
Điểm
+/-
Vị trí
1
Enedis
FRA
98.2
1.8
1/94
2
SP Group
SGP
75.0
0.0
42/94
3
KEPCO
KOR
73.2
0.0
45/94
4
EVNHCMC
VNM
71.4
3.6
47/94
5
TNB
MYS
71.4
3.6
48/94
6
MEA
THA
67.9
0.0
57/94
7
EVNHANOI
VNM
66.1
5.4
63/94
8
EVNCPC
VNM
64.3
0.0
66/94
9
Meralco
PHL
62.5
3.6
71/94
10
PEA
THA
62.5
3.6
72/94

Như vậy, trong năm 2022 đã có 94 Công ty Điện lực trên thế giới tham gia chấm điểm, xếp hạng Lưới điện thông minh theo bộ chỉ số SGI (Smart Grid Index) của SP Group, tăng thêm 08 CTĐL so với số lượng tham gia năm 2021 (86 CTĐL) và đều tăng dần trong các năm 2019, 2020. Điều này cho thấy phát triển lưới điện thông minh đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các CTĐL trên thế giới cũng như thể hiện rõ tính minh bạch, hiệu quả của bộ chỉ số SGI do SP Group phát triển, phản ứng đúng mức độ thông minh lưới điện của các CTĐL tham gia đánh giá.

Qua quá trình hơn 10 năm nghiên cứu, xây dựng và triển khai, đến nay, EVNHCMC đã phát triển được hệ thống Lưới điện thông minh trên địa bàn TP.HCM với đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn mực Quốc tế gồm: (1) Giám sát và điều khiển; (2) Phân tích dữ liệu; (3) Độ tin cậy cung cấp điện; (4) Tích hợp nguồn phân tán; (5) Năng lượng xanh; (6) An ninh bảo mật; (7) Trao quyền cho khách hàng và sự hài lòng của khách hàng. Tất cả các chương trình thí điểm, lộ trình xây dựng và đề án phát triển LĐTM đều do nội lực EVNHCMC tự thực hiện, sử dụng hiệu quả quỹ Khoa học công nghệ trên cơ sở nguồn lực của EVNHCMC (nhân lực, tài lực, vật lực) để làm chủ công nghệ và phù hợp với hiện trạng lưới điện TP.HCM. Một số thành công có thể kể đến như sau:

Trong lĩnh vực giám sát và điều khiển: Tổng công ty đã cơ bản hoàn tất quá trình tự động hoá toàn bộ lưới điện trên địa bàn Thành phố. Tiêu biểu là đã chuyển đổi 100% các trạm 110 kV truyền thống sang mô hình trạm 110 kV không cần người trực vận hành, góp phần giúp tiết kiệm hơn 400 lao động vận hành trạm; là đơn vị phân phối điện đầu tiên của EVN đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển và Trung tâm điều khiển dự phòng theo chuẩn mực Quốc tế, trong đó, TTĐK dự phòng được xây dựng trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 hoàn toàn bằng nguồn lực nội bộ (không thuê đơn vị tư vấn thiết kế bên ngoài) sử dụng nguồn vốn phát triển khoa học công nghệ của Tổng công ty; là một trong số ít đơn vị phân phối điện trên thế giới có lưới điện trung thế vận hành hoàn toàn tự động (có chức năng thông minh: tự động phát hiện sự cố, cô lập và tái lập điện trong vòng 1 phút cho các khu vực không bị ảnh hưởng).

Trong lĩnh vực phân tích dữ liệu: Tổng công ty đã cơ bản số hoá hoàn tất toàn bộ 02 khâu quan trọng là Quản lý kỹ thuật và Kinh doanh-Dịch vụ khách hàng; đưa vào sử dụng hàng loạt các ứng dụng CNTT như tự động hoá, quản lý mất điện, quản lý tổn thất điện năng, tổng đài, ứng dụng chăm sóc khách hàng…, qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu Ngành Điện Thành phố với quy mô lớn và đầy đủ. Đặc biệt, Tổng công ty cũng là một trong số ít đơn vị phân phối điện trong khu vực đã lắp đặt hoàn tất 100% công tơ điện tử có chức năng thông minh đo đếm từ xa cho tất cả hơn 2,6 triệu khách hàng sử dụng điện trên toàn Thành phố. Qua đó, giúp doanh nghiệp triển khai các ứng dụng chuyên sâu như quản lý mất điện, quản lý tổn thất điện năng theo thời gian thực, cung cấp 100% dịch vụ khách hàng trực tuyến (đạt cấp độ 4 dịch vụ hành chính công); cung cấp thông tin về điện năng tiêu thụ ngày cho khách hàng, giúp khách hàng chủ động điều chỉnh việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các bài toán phân tích dữ liệu phục vụ quy hoạch lưới điện, sửa chữa bảo dưỡng theo hướng hiện đại…

Trong lĩnh vực độ tin cậy cung cấp điện: Bên cạnh việc chú trọng đầu tư xây dựng cải tạo lưới điện, Tổng công ty đã ứng dụng đồng bộ và hiệu quả các công nghệ như tự động hoá, sửa chữa điện nóng, sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng “sức khoẻ” vật tư thiết bị… giúp ngày càng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm mất điện một cách bền vững trên địa bàn Thành phố.

Trong lĩnh vực tích hợp nguồn phân tán và năng lượng xanh: Thực hiện theo chủ trương phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trên địa bàn Thành phố, Tổng công ty đã chủ động lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại tất cả các trụ sở và trạm biến áp, hỗ trợ thoả thuận đấu nối, lắp công tơ đo đếm 02 chiều, thử nghiệm miễn phí, giúp hình thành hơn 14.000 hệ thống ĐMTMN của khách hàng với tổng công suất đạt 365MWp, đóng góp khoảng 600 triệu kWh điện/năm cho Thành phố. Ngoài ra, EVNHCMC luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các nhà máy điện từ đốt rác, điện từ khí hoá lỏng (LNG) tại TP.HCM (120MW điện rác tại Củ Chi và 2.700MW điện LNG tại KCN Hiệp Phước), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Thành phố. Bên cạnh đó, EVNHCMC luôn chủ động nghiên cứu, thí điểm các công nghệ điện sạch tiên tiến như hệ thống lưới điện thông minh quy mô nhỏ (Microgrid) đầu tiên tại TP.HCM (Công ty Điện lực Tân Bình), mô hình toà nhà xanh (toà nhà Data Center thuộc EVNHCMC), hỗ trợ đảm bảo hạ tầng điện cho xe điện (400 trạm sạc)…để tích luỹ năng lực, kiến thức và kinh nghiệm cho quá trình phát triển theo chiều sâu trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực an ninh bảo mật: Song song với việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Tổng công ty luôn chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin như: xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt tiêu chuẩn Quốc tế (mức Tier 3), đưa vào trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) đầu tiên của Ngành điện, duy trì chứng chỉ ISO 27001 về an toàn thông tin cho hệ thống sản xuất kinh doanh; triển khai công nghệ giao tiếp thông tin Diode 01 chiều cho hệ thống vận hành lưới điện.

Trong lĩnh vực trao quyền cho khách hàng và hài lòng khách hàng: Sau khi đưa vào tổng đài chăm sóc khách hàng đầu tiên của Ngành Điện vào năm 2012, đến năm 2021, EVNHCMC đã nâng cấp lên thành hệ thống tổng đài đa kênh, qua đó, có thể giao tiếp và phục vụ khách hàng thông qua các kênh truyền thống như web, gọi điện cũng như các kênh thông tin mới như ứng dụng trên thiết bị di động (app), mạng xã hội (zalo, facebook), cổng dịch vụ công Thành phố/Quốc gia…Qua đó, cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 đa kênh và triển khai thanh toán điện tử cho hơn 99% số lượng khách hàng hàng tháng. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đã bước đầu ứng dụng thành công các công nghệ mới như sử dụng robot tự động để trả lời khách hàng, điện thoại viên ảo…Năm 2019, điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng do tư vấn độc lập thực hiện đối với EVNHCMC đạt 8,66/10 điểm. Đặc biệt, với hệ thống đo đếm từ xa công tơ điện tử, việc trao đổi thông tin, tương tác 02 chiều giữa khách hàng và đơn vị quản lý hạ tầng điện đã từng bước được hình thành, tạo tiền đề cho việc khách hàng chủ động tham gia vào lưới điện thông minh và thị trường điện bán lẻ trong tương lai.

3. Hiệu quả mang lại và Lợi ích mà người dân được hưởng từ lưới điện thông minh

  • Giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: số lần mất điện bình quân của khách hàng (SAIFI) giảm từ 25,04 lần (năm 2011) xuống còn 0,47 lần (năm 2022); thời gian mất điện bình quân của khách hàng (SAIDI) giảm từ 3.433 phút (năm 2011) xuống còn 35 phút (năm 2022), ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và tương đương với chỉ số của một số Thành phố hiện đại tại Châu Âu, Châu Mỹ.
  • Giúp giảm tổn thất điện năng: tỉ lệ tổn thất điện năng năm 2022 đạt 2,93% giảm sâu so với năm 2011 (5,76%), ngang bằng với các nước tiên tiến trên Thế giới.
  • Cung cấp cho khách hàng nhiều thông tin hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng.
  • Thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cũng như thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và sạch.

4. Kết luận

Để có được bức tranh hoàn chỉnh về Lưới điện thông minh tại TP.HCM, trước hết cần một sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo và công nhân viên chức lao động của EVNHCMC. Đã có những định hướng đúng đắn trong việc nghiên cứu, tiếp cận, xây dựng và thực hiện lộ trình phát triển Lưới điện thông minh theo xu hướng của Thế giới. Bên cạnh đó, EVNHCMC đã phát huy tối đa được nguồn nhân lực nội lực, thực hiện nghiên cứu, triển khai ứng dụng các sáng kiến, các đề tài Nghiên cứu khoa học theo định hướng công nghệ mới, tiên tiến của thế giới để thí điểm và đề xuất được các mô hình hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả cao trong công tác chuyển đổi số, phát triển lưới điện thông minh.

EVNHCMC đã xây dựng Kế hoạch phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030 với định hướng phát triển theo chiều sâu, tập trung vào mảng công tác quan trọng là năng lượng xanh và sạch, thúc đẩy chuyển đổi số giúp Thành phố nhanh chóng đạt mục tiêu về tối ưu phát thải và EVNHCMC trở thành doanh nghiệp số, đạt mục tiêu lọt vào Top 50 Công ty Điện lực có lưới điện thông minh trên thế giới.

H.V