Syria nói Mỹ 'chính trị hóa' trận động đất sau khi từ chối viện trợ

Quốc tế - Ngày đăng : 10:28, 08/02/2023

Giới chức Syria đã lên án việc Mỹ từ chối tham gia với chính phủ nước này trong các nỗ lực hỗ trợ khẩn cấp sau trận động đất kinh hoàng đã làm hơn 7.800 người thiệt mạng.

Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay hôm 7.2 cho biết số người chết do động đất đã tăng lên 5.894 và hơn 34.000 người bị thương. Tại Syria, ít nhất 1.932 người thiệt mạng, theo chính phủ và lực lượng cứu hộ ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát.

Newsweek cho biết, trong phản ứng ban đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc liệu Washington có hợp tác với Damascus hay không, phát ngôn viên Ned Price nói với các phóng viên hôm 6.2 rằng "sẽ khá mỉa mai nếu không muốn nói là phản tác dụng nếu Mỹ tiếp cận với một chính phủ đã tàn bạo với người dân của họ hơn chục năm nay”.

dong-dat-tnk-syria-2.png
Tại một nghĩa trang ở thị trấn Jinderis, tỉnh Aleppo, Syria, người dân chôn cất người thân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AP

Tuy nhiên, ông Price vẫn cam kết rằng Mỹ sẽ gửi viện trợ cho người dân Syria. Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Newsweek rằng: "Mỹ là nhà cung cấp hỗ trợ nhân đạo lớn nhất trên khắp Syria. Washington đang nhanh chóng cung cấp cứu trợ có mục tiêu cho những người sống sót và những người phải di dời sau trận động đất kinh hoàng ngày”.

"Chúng tôi cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức để giúp tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng phục hồi sau thảm họa này", người phát ngôn nói thêm song khẳng định "không có khoản viện trợ nhân đạo nào do Mỹ tài trợ cho hoạt động ứng phó động đất được cung cấp thông qua chính phủ Syria, và yêu cầu tất cả các bên trong cuộc xung đột đảm bảo việc tiếp cận nhân đạo không bị cản trở đến tất cả các vùng của Syria."

Đáp lại những tuyên bố của Mỹ, Phái đoàn Thường trực của Syria tại Liên Hợp Quốc nói với Newsweek rằng quan điểm của Washington "cho thấy rõ ràng cách Mỹ luôn chính trị hóa mọi vấn đề, thậm chí có sức tàn phá và thảm khốc như trận động đất này”.

Phái bộ Syria cho biết “các biện pháp trừng phạt đơn phương” của Mỹ hiện có tác động tiêu cực đến các nỗ lực phục hồi sau thảm họa.

“Nhiều máy bay chở hàng chở hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp không thể hạ cánh xuống các sân bay của Syria vì họ sợ bị trừng phạt hoặc vì họ tuân thủ quá mức. Thật là mỉa mai khi Mỹ khoe khoang về việc cung cấp hàng tỉ USD cho Syria trong khi đồng thời lại cướp đi các nguồn tài nguyên của Syria, bao gồm cả dầu mỏ và lúa mì”, Phái bộ Syria tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Damascus đã bác bỏ cáo buộc của Washington về vi phạm nhân quyền của chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad bắt nguồn từ cuộc trấn áp năm 2011 đối với các cuộc biểu tình dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài cho đến nay.

Về phần mình, Mỹ đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đang khai thác tài nguyên từ các vùng đất phía đông bắc của đất nước dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Lầu Năm Góc hậu thuẫn.

Washington, vốn ban đầu ủng hộ lực lượng nổi dậy lật đổ ông Assad, đã chuyển sự ủng hộ sang SDF vào năm 2015 để chống lại nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Cùng năm đó, Nga đã cùng với Iran giúp chính phủ Syria chiến đấu với IS, cũng như các lực lượng thánh chiến và phiến quân khác, cho phép Damascus cuối cùng tái khẳng định quyền kiểm soát đối với hầu hết lãnh thổ đất nước.

dong-dat-tnk-syria-1.png
Lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm kiếm và giải cứu những người đang mắc kẹt dưới đống đổ nát hôm 7.2 - Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Syria và Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập Syria đã kêu gọi Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hỗ trợ để đối phó với thảm họa động đất. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên "làm việc cùng nhau trong tình đoàn kết để hỗ trợ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này”.

Sau cuộc gặp với ông Guterres hôm 6.2, Đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc Bassam Sabbagh đảm bảo "rằng chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và phối hợp để cung cấp hỗ trợ cho tất cả người dân Syria trên toàn bộ lãnh thổ của Syria."

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7.2 cũng đã nhắc lại rằng sẽ không có khoản viện trợ nào của chính phủ Mỹ dành cho Damascus trong cuộc họp báo chung ở Washington, D.C. với ông cùng với người đồng cấp Áo.

"Chúng tôi cam kết cung cấp sự hỗ trợ để giúp người dân ở Syria phục hồi sau thảm họa này, giống như chúng tôi là nhà tài trợ nhân đạo hàng đầu của họ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Syria. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây rằng những khoản tiền này tất nhiên là dành cho người dân Syria, không phải cho chính phủ nước này. Điều đó sẽ không thay đổi. Nhưng như tôi đã nói, chúng tôi có thể làm việc thông qua các đối tác nhân đạo trên thực địa ở Syria”, ông Blinken nói.

Giống như Mỹ, hầu hết các quốc gia phương Tây đã cắt đứt quan hệ chính thức với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và vẫn chưa cân nhắc liệu họ có hợp tác với Damascus để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ và phục hồi sau trận động đất kinh hoàng hay không.

Bất chấp những nỗ lực giải cứu đang diễn ra ở cả hai bên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, số người chết do trận động đất vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh lực lượng cứu hộ khẩn cấp địa phương và nước ngoài gấp rút giải cứu những người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Hoàng Vũ