Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:00, 09/02/2023
Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023, Chính phủ dự báo thời gian tới thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10.2.2023.
Đồng thời, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành tỷ giá phù hợp; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trong tháng 2.2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.
Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chuẩn bị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.2.2023.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nhấn mạnh phải điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27.1.2023.
Doanh nghiệp kêu khó về vốn và pháp lý
Tại hội nghị tín dụng bất động sản ngày 8.2, các hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản cũng đã chia sẻ đang gặp nhiều khó khăn về vốn và pháp lý.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinhomes cho biết, trong đầu tư bất động sản có nhiều chi phí phát sinh nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng giải ngân như chi phí giải phóng mặt bằng. Trước đây, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tốt thì doanh nghiệp có thể huy động vốn để tài trợ cho các chi phí ban đầu này, còn hiện tại thì không. Do đó, đại diện doanh nghiệp này đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ.
Đại diện Vinhomes cũng đề nghị có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
Bà Đỗ Thị Phương Nam, Phụ trách tư vấn Dự án tái cấu trúc cho Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.
Ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành xem xét có phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, theo thống kê tốc độ tăng trưởng tín dụng cho bất động sản cao nhất trong các ngành, lĩnh vực (tăng hơn 24%), cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung; tỷ trọng tín dụng cao nhất, chiếm 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Ông Tú tái khẳng định Ngân hàng Nhà nước chưa nói và cũng chưa bao giờ có văn bản nào chỉ đạo việc siết tín dụng vào bất động sản. Quan điểm là kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng vào những lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý rủi ro của chính những tổ chức tín dụng đầu tư khi cho vay vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro là kinh doanh, đầu cơ, những dự án có phân khúc giá trị lớn. Các doanh nghiệp có điều kiện năng lực tài chính, có kinh nghiệm xây dựng, các dự án có hiệu quả đều được các ngân hàng xem xét cho vay.