Ngành nông nghiệp tự tin với mục tiêu xuất khẩu 55 tỉ USD năm nay

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:36, 09/02/2023

Về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 là 55 tỉ USD, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết với những giải pháp mạnh, cộng với sự chỉ đạo của Thủ tướng, bộ tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1.2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt 3,73 tỉ USD, thặng dư thương mại đạt 647 triệu USD, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng được ghi nhận. 

Về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 là 55 tỉ USD, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Thị trường thế giới đang có những rào cản cơ bản, biến đổi khí hậu phức tạp, nguyên liệu đầu vào tăng cao, đây là yếu tố khó khăn cho sản xuất. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, không có cách nào khác là nâng cao giá trị sản phẩm; cơ cấu lại gắn với truy xuất nguồn gốc và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Với những giải pháp mạnh, cộng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích: "Ngành lâm nghiệp tuy khó khăn trong việc khai thác các đơn hàng do lạm phát tăng nhưng vẫn có thể phát huy được và tập trung vào một số mặt hàng mới như viên nén, dăm gỗ, là những mặt hàng có thể đạt trên 3,5 tỉ USD. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển ở nhiều thị trường để có giá trị gia tăng cao; thủy sản vẫn là một lợi thế với hai mặt hàng chiến lược là tôm và cá tra; trong đó tiếp tục phát huy thị trường Mỹ, Trung Quốc để tăng tốc xuất khẩu cá tra. 

Đối với mặt hàng rau hoa quả, lợi thế từ các nghị định thư Việt Nam đã ký với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch đã giúp xuất khẩu sầu riêng, khoai lang, chanh leo ngày càng thuận lợi. Nhờ đó, giá nhiều loại trái cây đã tăng đáng kể ngay từ đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng" .

Về cơ cấu thị trường, ngoài thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thì ghi nhận sự tăng tốc ở thị trường EU, Anh…, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng phải lưu ý, càng hội nhập sâu thì tiêu chí của các thị trường càng khắt khe, do vậy phải tích cực đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết: "Có thể khẳng định, sản lượng, giá trị của ngành nông nghiệp đã tăng liên tục trong những năm qua với tốc độ tăng rất nhanh. Đó là kết quả tất yếu của việc chúng ta đã có một nền tảng tốt từ tổ chức sản xuất đến sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cùng xây dựng mối liên kết bền chặt. Ngành nông nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu trong 10 năm qua, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa và từng bước chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp".

Những thay đổi mang tính đột phá trong quá trình tổ chức sản xuất phải kể đến như Mỹ đã công nhận sản xuất cá tra của Việt Nam trình độ tương đương Mỹ, thị trường Nhật Bản đã chấp thuận nhập khẩu thịt gà của Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn...

H.Đ