Động đất xoa dịu căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp
Quốc tế - Ngày đăng : 14:45, 09/02/2023
Trong bài phát biểu rời nhiệm sở trước thềm Giáng sinh 2022, Burak Ozugergin, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Hy Lạp bày tỏ hy vọng hai nước không cần đến hỏa hoạn, động đất hay thảm họa nào khác để nhắc nhở rằng họ là láng giềng.
Phát biểu trên như một lời tiên tri. Vài tuần sau, một trận động đất làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cùng miền bắc Syria dường như khiến Ankara - Athens vốn thù địch xích lại gần nhau hơn.
Tại Hy Lạp, cả giới chính trị gia lẫn người dân đều gửi lời chia buồn và tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ. Athens cách thành phố Gaziantep (nơi ghi nhận tâm chấn động đất) không xa và quốc gia Nam Âu có kinh nghiệm ứng phó động đất.
Chỉ trong vòng vài giờ, đơn vị đặc nhiệm EMAK bay đến khu vực thảm họa theo lệnh chính phủ Hy Lạp. Một máy bay C130 chở đầy vật tư y tế, hàng cứu trợ nhân đạo cùng bác sĩ, nhân viên cứu thương, chó nghiệp vụ cũng bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà địa chất học Efthymios Lekkas - Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Động đất Hy Lạp cũng có mặt trên máy bay.
Ký ức năm 1999
Hy Lạp gác lại căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vì thảm họa vừa ập đến, “ngoại giao động đất” được triển khai làm sống lại ký ức năm 1999. Ba năm sau tranh chấp đảo Imia đẩy Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp đến bờ vực chiến tranh, hai trận thiên tai năm 1999 giúp hạ nhiệt căng thẳng.
Ngày 17.8, khu vực quanh thành phố công nghiệp Izmit của Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu động đất khiến ít nhất 17.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác lâm vào cảnh vô gia cư.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp ngay lập tức gửi nhân viên cứu hộ, chó nghiệp vụ, bác sĩ cùng vật tư sang giúp đỡ. Hàng loạt đơn vị dân sự Hy Lạp kêu gọi quyên góp để cung cấp lều trại, thuốc men, nước, quần áo, thực phẩm, chăn màn.
Một tháng sau đến thủ đô Athens của Hy Lạp bị động đất và Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngần ngại giúp đỡ khiến mối quan hệ căng thẳng giữa 2 quốc gia được xoa dịu hơn nữa. Thuật ngữ “ngoại giao động đất” vì vậy mà ra đời. Bầu không khí tích cực kéo dài thêm 10 năm nữa trước khi căng thẳng trở lại.
Hai nhà lãnh đạo đã đối thoại
Rất khó xác định liệu “ngoại giao động đất” lần này phát huy được tác dụng hòa giải hay không. Bầu cử sắp diễn ra ở hai nước, giới chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều đề cao chủ nghĩa dân tộc và cho đến nay chưa tỏ ý sẵn sàng thỏa hiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đối thoại trở lại qua điện thoại. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Âu gửi lời chia buồn sâu sắc, đồng thời cam kết hỗ trợ mọi nguồn lực sẵn có.
Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou cũng điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều người được cứu. Ông Erdogan cảm ơn sự hỗ trợ mà nước láng giềng dành cho họ.
Ngoại trưởng Nikos Dendias liên lạc với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu để gửi lời chia buồn, đồng thời tuyên bố chính phủ Hy Lạp sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức.
Các chính đảng ở Hy Lạp đều tỏ ý quan tâm đến cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd, người Syria bị ảnh hưởng, ủng hộ gửi viện trợ nhân đạo khẩn cấp.