Lãnh đạo Google cảnh báo tránh để các chatbot AI như ChatGPT gây ảo giác
Thế giới số - Ngày đăng : 09:40, 11/02/2023
Prabhakar Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Google và là người đứng đầu bộ phận tìm kiếm, nói với báo Welt am Sonntag (Đức) trong bài viết được xuất bản hôm 11.2: "Loại AI mà chúng ta đang nói đến hiện nay đôi khi có thể dẫn đến một thứ gọi là ảo giác. Điều này thể hiện theo cách mà nó đưa ra một câu trả lời thuyết phục nhưng hoàn toàn bịa đặt”.
Trái ngược với Prabhakar Raghavan, Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, lại ca ngợi ChatGPT hết lời. Trong cuộc phỏng vấn được nhật báo kinh doanh Handelsblatt (Đức) công bố hôm 10.2, Bill Gates nhận xét: "Cho đến gần đây, AI có thể đọc và viết, nhưng không thể hiểu nội dung. Các chương trình mới như ChatGPT sẽ giúp nhiều công việc văn phòng hiệu quả hơn bằng cách giúp viết hóa đơn hoặc thư từ. Điều này sẽ thay đổi thế giới của chúng ta". Thậm chí Bill Gates tin rằng ChatGPT cũng quan trọng như việc phát minh ra internet.
Google cố chạy theo OpenAI, công ty khởi nghiệp Mỹ được Microsoft tài trợ hàng tỉ USD, vào tháng 11.2022 đã giới thiệu chatbot ChatGPT gây kinh ngạc vì những phản hồi giống con người một cách ấn tượng trước các truy vấn của người dùng.
ChatGPT là ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Ước tính ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1.2023, chỉ 60 ngày sau khi ra mắt, theo một nghiên cứu của UBS (ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ).
Alphabet đã giới thiệu chatbot của riêng mình có tên Bard vào đầu tuần này. Thế nhưng, Bard đã trả lời thông tin không chính xác trong video quảng cáo, khiến Alphabet mất 100 tỉ USD giá trị thị trường hôm 8.2.
Trong một tweet quảng cáo Bard, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard đang trả lời các câu hỏi của người dùng, bao gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope.
Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.
Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".
Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.
Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".
Bất chấp điều đó, Alphabet phải trả giá đắt khi cổ phiếu giảm mạnh 10% không lâu sau.
Alphabet vẫn đang tiến hành thử nghiệm Bard và vẫn chưa cho biết khi nào ứng dụng có thể ra mắt công chúng.
Prabhakar Raghavan nói: “Chúng tôi rõ ràng cảm thấy sự cấp bách, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm to lớn. Chúng tôi chắc chắn không muốn đánh lừa công chúng".
Cuộc chiến AI đã ảnh hưởng đến cổ phiếu Alphabet và Microsoft
Sự sôi sục trên thị trường chứng khoán xung quanh AI đã lan sang Microsoft và Alphabet trong tuần này.
Cổ phiếu Alphabet đã giảm 10% hôm 8.2 sau khi xuất hiện những lo ngại về năng lực của Bard mà công ty công bố hôm 6.2. Việc bán tháo cổ phiếu Alphabet tiếp tục diễn ra hôm 9.2 với mức giảm tới 5,1%, hướng tới mức giảm hai ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3.2020. Việc đó làm bốc hơi khoảng 170 tỉ USD giá trị thị trường của Alphabet.
Việc bán tháo, lớn hơn nhiều so với mức giảm 2,8% một ngày sau khi Alphabet báo cáo thu nhập quý 4/2022 không đạt ước tính, cho thấy tầm quan trọng của thành công trong cuộc chạy đua AI với các nhà đầu tư.
Matt Maley, chiến lược gia trưởng thị trường tại công ty Miller Tabak + Co (Mỹ), cho biết: “Khi cổ phiếu như Google rớt giá nhiều như vậy, điều đó cho thấy rằng nhiều người thậm chí còn không nhìn vào các nền tảng cơ bản”.
Câu chuyện đáng buồn xung quanh Alphabet hoàn toàn trái ngược với Microsoft, công ty có bài thuyết trình về cách kết hợp công nghệ ChatGPT vào các sản phẩm như công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge, giúp cổ phiếu tăng 4,2% hôm 7.2.
Dù vậy, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) nói rằng có thể khó khăn và tốn kém để khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi của họ khi tìm kiếm và duyệt web.
Cho đến tuần này, sự đoán trước về AI tại Mỹ chủ yếu giới hạn ở Nvidia, công ty dẫn đầu thị trường chip dùng cho việc tính toán phức tạp cần thiết với các chương trình AI, cùng các nhà sản xuất phần mềm ít nổi tiếng hơn có AI trong tên họ. Ví dụ, C3.ai có cổ phiếu tăng giá gấp đôi trong năm 2023. Trong khi đó, cổ phiếu Microsoft và Alphabet đang tụt lại so với mức tăng của chỉ số Nasdaq 100.
Nasdaq 100 là chỉ số thị trường chứng khoán được tạo ra bởi 107 chứng khoán vốn phát hành bởi 100 công ty phi tài chính lớn nhất niêm yết trên Nasdaq.
Các hãng công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba và NetEase cũng công bố kế hoạch mở rộng khả năng AI, giúp cổ phiếu của họ tăng vọt.
Bất chấp sự vấp ngã của Alphabet, vẫn còn quá sớm để tuyên bố người chiến thắng trong cuộc đua về AI và sự phát triển của các mô hình kinh doanh xung quanh nó, theo Bill Stone, Giám đốc đầu tư tại công ty Glenview Trust Co (Mỹ).
“Rõ ràng có lo ngại rằng Alphabet sẽ mất lợi thế trong lĩnh vực tìm kiếm, chỉ vì nó quá nổi trội ở đó và kiếm rất nhiều tiền từ tìm kiếm, nhưng Alphabet vẫn có các công cụ để cạnh tranh. Mỹ sở hữu cả Microsoft lẫn Alphabet và nghĩ rằng cả hai đều có khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực này”, Bill Stone nhận định.