Số lượng nhà cung cấp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng 10 lần
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:25, 12/02/2023
2 nhiệm vụ chính từ trung tâm R&D vừa thành lập tại Việt Nam
Ngày 12.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã chia sẻ về hai nhiệm vụ chính liên quan đến Trung tâm R&D vừa được khánh thành tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội vào cuối tháng 12 vừa qua.
"Nhiệm vụ đầu tiên là mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và nâng cao chuyên môn để đưa trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam không chỉ là trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Đông Nam Á, mà còn là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới", ông Choi Joo Ho nói.
Nhiệm vụ tiếp theo, Samsung có kế hoạch mở rộng các hoạt động bồi dưỡng tài năng công nghệ tương lai của Việt Nam thông qua học bổng dành cho sinh viên triển vọng chuyên ngành công nghệ; tăng cường quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp cho các dự án kinh doanh, bên cạnh các chương trình thực tập. Việc này nhằm góp phần đặt nền móng cho nhân tài công nghệ Việt Nam và phát triển công nghiệp.
Được biết, trước khi trung tâm R&D mới của Samsung được khánh thành vào cuối năm 2022, Samsung đã thành lập nhóm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam vào năm 2012 và hoạt động trên phạm vi các cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nội.
Ông Choi Joo Ho cho biết, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Đây là kết quả từ sự quyết tâm và nỗ lực của Samsung Việt Nam nhằm đưa ra các sáng kiến để tăng khả năng tiếp cận của các công ty Việt Nam với công nghệ mới và nâng cao năng lực quản trị tiên tiến.
Theo đó, từ năm 2015, các chuyên gia sản xuất từ Samsung Hàn Quốc đã làm việc với khoảng 400 công ty Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.
Các công ty tham gia chương trình đã có những phản hồi rất tích cực như: năng suất tăng 40%, lỗi sản phẩm giảm 50% chỉ sau khoảng 3 tháng được tư vấn, hỗ trợ; người tham gia cũng được ưu tiên khi tham gia mạng lưới các nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam. Kể từ đó đến nay, đã có 33 doanh nghiệp trở nhà thành cung cấp của Samsung tại Việt Nam.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có giá trị cao của Việt Nam, Samsung Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ mới với Bộ Công Thương vào năm 2022 để triển khai chương trình nhà máy thông minh (Smart Factory). Qua đó, Samsung sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình về sản xuất thông minh cho 50 doanh nghiệp theo lộ trình trong 2 năm.
"Chúng tôi mong muốn được tăng cường quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam để giúp các nhà sản xuất trong nước phát triển, trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung”, ông Choi Jo Hoo nhấn mạnh thêm.
Doanh nghiệp “đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ (KH-CN) gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH-CN; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, đầu tư, phát triển KH-CN.
“Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng”, Thủ tướng nói và lưu ý Bộ KH-CN khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội, đồng thời Bộ phát huy vai trò kiến tạo để đất nước có thêm nhiều khu công nghệ cao khác.
Để thu hút các nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics; tích cực hơn nữa cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách; xây dựng chính sách phù hợp cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe nhà đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch; chia sẻ các khó khăn, giải quyết các vướng mắc với tinh thần "bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường".
“Các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại hiệu quả cụ thể, đo lường được, được nhân dân ghi nhận", chuyển hóa tiềm lực thành động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng”, Thủ tướng nói.