Chuyển đổi số trong nông nghiệp ĐBSCL: Thực trạng và kỳ vọng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:00, 13/02/2023
Trên đây là ý kiến của ThS Phạm Thị Vân - Học viện cán bộ TP.HCM trong bài “Phát triển kinh tế số, xã hội số những khuyến nghị cho ĐBSCL”. Cũng theo tác giả, hầu hết các tỉnh ĐBSCL hiện nay đang đầu tư cho chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế xã hội, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, phải nhìn vào thực trạng để từng bước phấn đấu đi lên.
Trở lại lĩnh vực nông nghiệp ĐBSCL, theo “Kỷ yếu diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL – SDMD2022”, ĐBSCL là vùng đất ở phía Nam của đất nước, có khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý khá thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao. Tổng diện tích ĐBSCL là 39.734km2. Toàn vùng có hơn 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và 700 ngàn ha nuôi trồng thủy sản.
ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, thủy sản và trái cây: với 24,3 triệu tấn lúa, chiếm 55,4% cả nước; 4,3 triệu tấn trái cây, chiếm 60%; thủy sản 4,79 triệu tấn, chiếm tới 55,7% sản lượng thủy sản của cả nước.
Bên cạnh lợi thế của ĐBSCL, hiện nay vùng đất này tồn tại nhiều bất lợi như chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nền sản xuất nhỏ lẻ, đất đai manh múng, thiếu liên kết. ĐBSCL không có lợi thế cạnh tranh, chưa chủ động xây dựng được nền nông nghiệp mạnh, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...
Sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của vùng ĐBSCL gặp phải một số hạn chế chung như: Thiếu thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hộ sản xuất nhỏ chưa hội nhập tốt với thị trường do chi phí vận chuyển cao và không có khả năng cung cấp kịp thời sản phẩm đồng bộ, có chất lượng và khối lượng lớn.
Trao đổi với ông Trương Thành Dãnh – Giám đốc Sở NN-Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long ông cho biết, hiện nay chuyển đổi số trong nông nghiệp được tỉnh khuyến khích phát triển nhưng thực tế còn nhiều khó khăn. Tại huyện Tam Bình có một doanh nghiệp nông nghiệp đang đầu tư phát triển theo kiểu chuyển đổi số nhưng mới bắt đầu. Còn chuyển đổi số bằng nhiều hình thức và không đồng bộ thì trong nhân dân có rất nhiều.
Tại Cần Thơ trung tâm ĐBSCL, tình hình chuyển đổi số được tuyên truyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng chuyển đổi số thì đếm trên đầu ngón tay. Trên địa bàn TP.Cần Thơ có một doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp một cách toàn diện, đó là Công ty Minh Hòa ở đường Nguyễn Văn Linh. Tại đây, công ty đã đầu tư xây dựng một trang trại sản xuất rau sạch từ khâu xây dựng nhà lưới đến chọn giống, hình thức gieo trồng, tưới tiêu, quản lý 100% bằng công nghệ số. Có thể nói đây là một doanh nghiệp mẫu mực trong chuyển đổi số về nông nghiệp ở ĐBSCL dù quy mô trang trại chưa lớn lắm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để xoay trục toàn bộ nền nông nghiệp, chúng ta buộc phải thay đổi theo: xu thế của thế giới đã tiến tới nông nghiệp 4.0; nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp hữu cơ và tiêu dùng xanh sẽ dần chi phối thị trường nông sản. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 được thể hiện qua 6 từ khóa: hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.
Những ý kiến của Bộ Trưởng NN-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, trong đó ĐBSCL cũng phải chuyển biến và thích nghi. Muốn xoay chuyển nông nghiệp ĐBSCL là phải chuyển đổi số áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) Lĩnh vực này có thể góp phần tăng sản lượng và chất lượng bằng cách thu thập và chia sẻ thông tin kịp thời và chính xác về thời tiết, đầu vào, thị trường và giá cả; bằng cách cung cấp thông tin vào các sáng kiến nghiên cứu và phát triển; bằng cách phổ biến kiến thức cho nông dân; bằng cách kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, và thông qua nhiều con đường khác.
Ứng dụng của CNTT-TT trong nhiều nội dung khác nhau liên quan đến chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Thông tin về thiết bị sản xuất và đầu vào nông nghiệp, thông tin được thu thập từ các doanh nghiệp bán thiết bị xử lý đất và thiết bị sản xuất khác, hạt giống và các đầu vào nông nghiệp khác. Thông tin được thu thập theo cách này cũng sẽ được cung cấp cho nông dân.
Các thông tin khác mà nông dân và gia đình họ quan tâm, thông tin bao gồm dự báo thời tiết, thông tin vụ mùa, khả năng cung cấp tín dụng, lời khuyên của chuyên gia về chăm sóc cây trồng hay vật nuôi, và các thông tin liên quan đến chính sách cho nông nghiệp, các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương, .v.v.
Nhìn chung, chúng ta thấy CNTT-TT có ứng dụng rất lớn, từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến chế biến, phân phối và tiêu thụ trên thị trường... đặc biệt là ứng dụng CNTT-TT trong sản xuất nông nghiệp hay sản xuất nông nghiệp chính xác (Precision Agriculture). Nông nghiệp chính xác là tất cả mọi thứ giúp thực hiện canh tác chính xác hơn, tối ưu hóa và được kiểm soát trong việc trồng trọt hay chăn nuôi.
Hệ thống mạng xã hội kết nối nông dân, chuyên gia, nhà phân phối, nhà cung cấp công cụ trao đổi giữa các bên liên quan trong quá trình sản xuất, thu hoạch, lưu trữ và đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Hệ thống giúp người nông dân có thể dễ dàng trao đổi với nhà cung cấp vật tư sản xuất, với chuyên gia nông nghiệp hay các công ty thu mua sản phẩm
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, song song với nghiên cứu và phát triển hệ thống CNTT-TT hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chúng ta cần xây dựng một hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý, cụ thể trường Trường đại học Cần Thơ đã xây dựng diễn đàn phát triển ĐBSCL bước đầu kết hợp với tổ chức tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Úc xây dựng dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản ĐBSCL (MAIC)”