Sau vụ khinh khí cầu nghi gián điệp, Mỹ và Trung Quốc khó bề đối thoại

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:55, 13/02/2023

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm cải thiện quan hệ song phương, được cho là đã trì hoãn vô thời hạn do sự cố khinh khí cầu do thám.

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 3.2, ông Blinken cho biết đã thông báo cho quan chức ngoại giao cao cấp Trung Quốc Vương Nghị về quyết định hoãn chuyến thăm Bắc Kinh sau khi khí cầu nước này đi lạc vào không phận Mỹ.

Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định "Mỹ cam kết tiếp cận ngoại giao với Trung Quốc và dự định tới Bắc Kinh khi điều kiện cho phép".

Một tuần sau khi khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ, chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa được lên lịch lại.

kkc-ban-ha.png
Khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc trôi ra biển sau khi bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, (Bang Nam Carolina, Mỹ) ngày 4.2 - Ảnh: Reuters

“Ngoại trưởng Blinken đã nói về việc hoãn chuyến đi, nhưng không hủy bỏ nó hoặc chấm dứt mọi liên lạc cấp cao với chính phủ Trung Quốc. Điều đó sẽ không xảy ra”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết vào tuần trước.

Trung Quốc hiện muốn vực dậy nền kinh tế vẫn đang quay cuồng với chính sách “Zero Covid-19”. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc kinh hy vọng sẽ cải thiện mối quan hệ đang chạm mức thấp với Washington. Do đó, chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ là cần thiết để cải thiện quan hệ song phương.

Nếu không có sự cố khinh khí cầu, đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ đến Bắc Kinh sau 4 năm. Một loạt các vấn đề nóng hổi trong quan hệ hai nước đang chờ được giải đáp, bao gồm các rào cản và lệnh cấm công nghệ, chính sách cứng rắn của Trung Quốc tại Hồng Kông và Tân Cương, cũng như vấn đề Đài Loan.

Các nhà quan sát nhận định để bắt đầu lại các cuộc đối thoại Mỹ - Trung sẽ không dễ dàng. Vụ khinh khí cầu Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ ở Washington, với việc các chính trị gia chỉ trích quân đội Mỹ và Tổng thống Joe Biden vì đã chần chừ trong việc bắn hạ khi nó lần đầu tiên đi vào không phận nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng giận dữ trước cáo buộc gián điệp của Washington, khẳng định rằng khinh khí cầu là một phương tiện nghiên cứu dân sự.

Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết tuần trước rằng Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Washington về một cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

"Việc Trung Quốc từ chối tham gia vào kênh đối thoại quân sự là điều quá phổ biến song không có nghĩa là Trung Quốc đã từ bỏ nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Mỹ”, Daniel Russel, nhà cựu ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho Reuters biết.

Ông Biden đã quả quyết rằng "khinh khí cầu cần phải bị bắn hạ", nhưng đã hạ thấp cả mối đe dọa an ninh và tác động của vụ việc đối với quan hệ Mỹ - Trung. Tổng thống Mỹ hôm 9.2 nhấn mạnh vụ việc không phải là một “vi phạm an ninh nghiêm trọng”.

Cơ hội nào cho đối thoại Mỹ - Trung

Theo các nhà phân tích, hai nước có lý do mạnh mẽ để quản lý những bất đồng của họ. Câu hỏi đặt ra bây giờ là “khi nào”, chứ không phải liệu Mỹ - Trung có quay trở lại đối thoại hay không.

Tờ Politico dẫn nguồn thạo tin cho biết, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich (Đức) năm nay, dự kiến diễn ra từ ngày 17-19.2. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng sẽ tham dự sự kiện này, tạo cơ sở cho việc nối lại đối thoại Mỹ - Trung.

Chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng được kỳ vọng sẽ xoa dịu căng thẳng hai nước. Bà Yellen hôm 8.2 đã bày tỏ hy vọng được đến Trung Quốc nhưng không nêu rõ thời điểm cụ thể. Bộ thương mại Trung Quốc đáp lại rằng họ hoan nghênh thiện chí của Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

“Những động thái như vậy có thể tạo tiền đề cho các cuộc đối thoại cấp cao hơn để củng cố mối quan hệ Mỹ - Trung. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể gặp ông Vương Nghị ở Munich hoặc tại cuộc họp của các ngoại trưởng G20 ở Ấn Độ vào tháng 3, nhưng ông ấy cần phải đến Bắc Kinh và gặp mặt trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình để đảm bảo thông điệp về các vấn đề gai góc như Đài Loan và Nga được truyền tải và giải đáp”, chuyên gia về đối ngoại Daniel Russel nói.

Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, cảnh báo rằng áp lực trong nước ở cả Mỹ và Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc còn quá sớm hai bên đối thoại.

"Trung Quốc không muốn tỏ ra yếu đuối và họ cũng không muốn thừa nhận về vụ việc khinh khí cầu do thám. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang chịu áp lực từ các đảng viên Cộng hòa tại quốc hội, những người đang chỉ trích cách chính quyền Biden chần chừ xử lý khinh khí cầu", Glaser nói.

Hoàng Vũ