Gian nan quá trình tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất
Quốc tế - Ngày đăng : 17:01, 13/02/2023
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số người bị ảnh hưởng có thể lên tới 23 triệu. Sau khi việc cứu hộ kết thúc, công việc quan trọng tiếp theo chính là tái thiết.
Con số thương vong của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia không xa lạ với động đất - lên đến hàng chục nghìn người. Nhiều người chỉ trích chính phủ không chuẩn bị ứng phó thảm họa.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thừa nhận có thiếu sót nhưng cũng nhấn mạnh không quốc gia nào có thể chuẩn bị cho một thảm họa kinh hoàng như vậy. Ông đặt mục tiêu tái thiết trong vòng 1 năm.
Năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ từng hứng chịu một trận động đất kinh hoàng không kém. Nhà kinh tế Ajay Chhibber (từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới) kể lại trên CNN: “Giống như những gì vừa xảy ra, động đất năm đó ập đến vào đầu buổi sáng ở khu vực đông dân gần Istanbul, khiến hơn 17.000 người chết và ước tính 500.000 người mất nhà cửa”. Ông cho biết, Đại sứ Nhật Bản cùng Đại sứ Đức nói rằng cảnh tượng sau động đất giống đất nước của họ sau Thế chiến thứ 2 vậy.
Với hơn 6.000 công trình sụp đổ do trận động đất ngày 6.2, mục tiêu tái thiết trong thời gian 1 năm của Tổng thống Erdogan vấp phải sự nghi ngờ. Tuy nhiên, nhà kinh tế Chhibber lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tái thiết nhanh nếu đoàn kết.
Nhà kinh tế Chhibber đã giúp triển khai kế hoạch phục hồi sau động đất 1999 bằng cách cấp tiền cho người dân, hỗ trợ xây dựng lại hạ tầng và nhà ở, thiết lập hệ thống bảo hiểm, phát triển hệ thống phối hợp có tổ chức từ trung ương đến cơ sở. Phần lớn công việc hoàn thành trong vòng 2 năm.
Giáo sư công tác xã hội Ismail Baris (Đại học Uskudar) - cựu Thị trưởng Golcuk - cho biết, trận động đất 1999 khiến các công trình, đường ống cùng mạng lưới cấp nước, hệ thống xả thải cùng 80% đường sá của thành phố bị phá hủy hoàn toàn. Quá trình tái thiết mất 4 năm.
Phần lớn công việc được quân đội hỗ trợ. Hoạt động dọn dẹp diễn ra rất nhanh chóng.
Xem xét sai lầm để rút kinh nghiệm cũng giúp ích cho việc tái thiết. Sau thảm họa 1999, Thổ Nhĩ Kỳ ban hành loạt quy định xây dựng đòi hỏi công trình phải chịu được động đất mạnh. Tuy nhiên, nhiều tòa chung cư mới xây vẫn bị sập khi động đất xảy ra ngày 6.2.
Cựu quan chức ngoại giao Sinan Ulgen cho biết, dù đã có nhận thức phải chuẩn bị ứng phó thảm họa, nhưng trong 20 năm qua công tác này hầu như chỉ nằm trên giấy. Ông cũng chỉ ra, quỹ đặc biệt dành cho tái thiết của nhiều thành phố bị lãng phí.
Nhà kinh tế Chhibber cũng nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ chưa học được bài học từ quá khứ, đặt nghi vấn tại sao loạt quy định xây dựng nghiêm ngặt không được tuân thủ.
Ngày 10.2, Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở cuộc điều tra về chất lượng công trình ở khu vực bị động đất ảnh hưởng. Nhiều nhà thầu xây dựng bị tạm giam.
Khủng hoảng tại Syria thêm trầm trọng
Tái thiết ở Syria còn khó khăn hơn. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói rằng, người dân nước này đang phải đối mặt với “ác mộng kép”. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) mô tả tình hình ở phía tây bắc Syria là “thảm họa chồng thảm họa”.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, trước động đất đã có hơn 4 triệu người phụ thuộc viện trợ nhân đạo vì cuộc chiến 12 năm qua.
Giám đốc Holt cho biết: “Sau 12 năm chịu đựng đau khổ, sống trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, khả năng chịu đựng điều kiện khắc nghiệt sẽ bị giảm sút”.
Chính phủ Syria không kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ. Vài khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất hiện do lực lượng đối lập, dân quân người Kurd hoặc chiến binh Hồi giáo dòng Sunni kiểm soát. Tình hình như vậy gây khó cho nỗ lực viện trợ nhân đạo lẫn nỗ lực tái thiết.
Giáo sư Ilan Kelman (Đại học Luân Đôn) chỉ ra, Syria không có chính phủ cùng quân đội mạnh, không nhiều nguồn lực như Thổ Nhĩ Kỳ, lại đang trải qua chiến tranh và bị cấm vận. Loạt trở ngại này sẽ khiến quá trình tái thiết Syria diễn ra không suôn sẻ.
Giám đốc Holt ước tính, nếu Thổ Nhĩ Kỳ mất 2 - 3 năm để hoàn thành phần lớn công việc tái thiết thì Syria sẽ phải mất đến 5 - 10 năm, chỉ để triển khai được chương trình tái thiết.