Ấn Độ liệu có thể chặn nước sông chảy qua Pakistan?
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:33, 14/02/2023
Với trung gian là Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ và Pakistan từng ký hiệp ước IWT hồi năm 1960 để cùng chia sẻ nước sông Indus và 5 sông nhánh.
Nhưng hiện nay, nhiều người ở Ấn Độ kêu gọi nước mình rút khỏi IWT, vào lúc chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thúc đẩy đàm phán lại thỏa thuận này.
Theo Deutsche Welle, sự bất đồng gia tăng đã khiến Pakistan đưa vấn đề lên Tòa án Trọng tài thường trực (PCA). Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ từ chối tham dự buổi điều trần đầu tiên hồi cuối tháng 1, khiến chỉ có đại diện Pakistan xuất hiện trước các thẩm phán PCA.
Quan điểm của Ấn Độ là PCA không có thẩm quyền xem xét vấn đề IWT và cần có một giải pháp thay thế do các chuyên gia đề xuất.
PCA tuyên bố sẽ đưa ra phán quyết về thẩm quyền của mình vào tháng 6 tới.
3 sông cho Pakistan, 3 sông cho Ấn Độ
IWT cho Ấn Độ toàn quyền kiểm soát 3 sông Beas, Ravi và Sutlej ở phía đông, Pakistan kiểm soát 3 sông Jhelum, Chenab và Indus ở phía tây và chảy ngang qua vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào Pakistan.
Ấn Độ có thể sử dụng 20% nguồn nước của 3 sông phía tây vào mục đích lưu thông, tưới tiêu và phát điện. IWT cũng tạo ra một ủy ban thường trực, nơi mà đại diện của hai quốc gia đang làm việc để sửa đổi các mục tiêu chia sẻ nguồn nước.
Hiệp ước này vẫn “sống sót” qua hàng chục năm đối đầu, thậm chí là chiến tranh, giữa Ấn Độ và Pakistan. Nhưng căng thẳng hiện leo thang và các chuyên gia cảnh báo sẽ khó tái đàm phán IWT nếu Ấn Độ đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
"Sự thiếu hụt niềm tin lớn đến mức tôi không nghĩ có thể đánh giá chuyên nghiệp thuần túy về hiệp ước, xét đến các vấn đề bao trùm nghiêm trọng như biến đổi khí hậu. Cả hai bên nên tập trung vào việc xây dựng thêm cho hiệp ước hơn là phá bỏ những gì đã đạt được và cố gắng xây dựng lại một cái gì đó khác biệt", nhà phân tích chính trị Reyaz Ahmad nói với báo Đức Deutsche Welle (DW).
IWT được ca ngợi là “ví dụ sáng chói về ngoại giao nước”
Nếu Ấn Độ đơn phương rút khỏi IWT, động thái này sẽ có thể kích hoạt sự phản đối của người dân Pakistan. Nhưng cảm xúc thù ghét này có thể chỉ là điểm khởi đầu, vì nếu Ấn Độ quyết định chặn dòng chảy của các sông phía tây hiện do Pakistan kiểm soát, thì hành động này sẽ tác động xấu đến rất nhiều diện tích đất nông nghiệp của Pakistan.
Nhà phân tích chính trị Ahmad nói các quan chức “cần công bằng và có lý trí”. Ông lập luận rằng IWT đã đứng vững trong sự thử thách suốt 60 năm, 3 cuộc chiến tranh là một khoảng thời gian đủ tốt nên “đừng nghĩ sự can thiệp vào hiệp ước là một ý tưởng hay. IWT là một ví dụ sáng chói về ngoại giao nước”.
Ahmad đề nghị tiếp tục duy trì IWT và tăng cường vai trò của các ủy viên Ủy ban sông Indus ở Ấn Độ và Pakistan.
Ông nói: “Vai trò và trách nhiệm cần được nâng cao. Thay vì coi mình là người bảo vệ lợi ích của mỗi quốc gia, các ủy viên của cả hai bên nên coi mình là đại sứ của mỗi quốc gia để tăng cường cam kết và hợp tác giữa các quốc gia”.
Các chính khách Ấn Độ nói gì?
Tại Ấn Độ, người chỉ trích cho rằng IWT gây bất công cho đất nước. Một thủ lĩnh cấp cao của đảng BJP cầm quyền, bà Priya Sethi đã kêu gọi xây các đập thủy điện và các kênh tưới tiêu để “bảo đảm nguồn nước chảy qua Pakistan bị chặn lại”.
Bà còn nhấn mạnh: “Chúng ta phải xem xét lại IWT vì tại sao chúng phải cho nước sông của chúng ta chảy qua Pakistan, nước chỉ quấy rầy chúng ta suốt. Chúng ta sẽ xây các vật chướng ngại để nguồn nước của chúng ta chỉ dành cho nhà nông hai vùng Jammu và Kashmir cùng các bang miền Bắc Ấn Độ thay vì để nó chảy qua Pakistan".
Thủ tướng Modi cũng từng nói bóng gió việc dùng IWT để gây sức ép lên nước láng giềng. Năm 2016, ông phát biểu với các quan chức IWT rằng “máu và nước không thể hòa vào nhau trong cùng một thời gian”, sau khi xảy ra vụ các tay súng phiến quân giết chết 19 binh lính Ấn Độ tại Kashmir.
Ấn Độ đã cáo buộc chính quyền Pakistan “chống lưng” cho phiến quân ở Kashmir bên phía Ấn Độ kiểm soát, nhưng Islamabad phủ nhận.
Dân Kashmir không hài lòng với IWT
Người dân ở Kashmir bên phía Ấn Độ kiểm soát cũng cho rằng IWT là phân biệt, không công bằng với họ. Họ nói kinh tế vùng bị tổn hại vì IWT tác động ngược đến tiềm năng thủy điện của vùng, do IWT hạn chế khối lượng nước 3 sông phía tây vốn do Pakistan kiểm soát.
Người dân ở Pakistan, một trong những quốc gia thiếu nước nhất thế giới, cũng không vui, cảm nhận rằng IWT không hoàn toàn bảo đảm quyền lợi của họ.
Một nguồn cơn lớn trong sự bất đồng là IWT quá mù mờ về các dự án thủy điện trong khu tranh chấp Kashmir. Vùng này có tiềm năng tạo ra 20.000 megawatt từ thủy điện, điều có thể trở thành một động lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của vùng, nhưng hiện tại Kashmir chỉ đạt 3.263 megawatt.
Đáng chú ý là sông Jhelum có địa thế lý tưởng để xây các hệ thống trữ nước lớn, theo một quan chức cấp cao của Tập đoàn Phát triển điện lực Kashmir nói với DW. Sông này chảy qua thung lũng Kashmir trước khi vào khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
IWT đã giao quyền kiểm soát sông này cho Pakistan. “Nhưng bất kỳ hệ thống trữ nước lớn nào dọc sông Jhelum sẽ làm ngập úng thung lũng Kashmir”, vị quan chức nói thêm.
Một cựu quan chức của Sở Thủy lợi Kashmir nói chính phủ Ấn Độ chỉ nên xây các đập thủy điện nhỏ hơn, có thể theo mô hình bậc thang, ở nhiều sông nhánh của sông Jhelum, và việc này sẽ cần IWT cho phép.
Liệu Ấn Độ có thể chặn nước sông chảy vào Pakistan?
Các sông phía tây góp hơn 80% dòng chảy (khoảng 117 tỉ mét khối) vào hệ thống thủy lợi vùng trũng sông Indus phía Pakistan. Trên lý thuyết, việc chặn dòng chảy vào Pakistan là có thể, bằng cách lưu trữ hoặc phân dòng của các sông này.
Tuy nhiên, nước từ các sông phía tây lại đủ làm ngập 120.000km2 đất với mực nước ngập cao 1 mét trong mỗi năm. Nó có thể làm ngập toàn vùng Kashmir với mực nước cao 7 mét chỉ trong 1 năm.
Vì thế, Ấn Độ phải có những hệ thống trữ nước lớn cỡ đập Tehri (cao 260,5m, dài 592m) để có thể trữ khối lượng nước nêu trên, mà thực tế thì đó là điều hoàn toàn không thể thực hiện được, theo một chuyên gia.