Indonesia muốn chuyển sang năng lượng sạch, nhưng quá nhiều trở ngại
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:12, 14/02/2023
Tại vùng Đông Kalimantan thể hiện rõ việc Indonesia hoàn toàn lệ thuộc vào than: vô số máy móc đang đào than từ các hố nông, trong khi các xe tải chở đầy than chạy trên đường. Dưới một cây cầu ở Samarinda, thủ phủ của vùng, than chất đầy các phà để chở đến những nhà máy trên toàn Indonesia và các nước.
Indonesia từng hứa chấm dứt, hoặc giảm tối đa dùng than sau khi ký cam kết có tên Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) trị giá 20 tỉ USD, trong đó Mỹ và các nước giàu sẽ giúp Indonesia chấm dứt khai thác, sử dụng than trước năm 2050.
Đổi lại, Indonesia cam kết đưa phát thải về 0 vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với dự kiến, tăng gấp đôi dùng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Indonesia còn phải vượt qua những trở ngại về tài chính, chính sách, cơ sở hạ tầng cùng những thách thức khác, trước khi chuyển đổi từ một trong những nước tiêu thụ than nhiều nhất thế giới sang việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh hơn.
Việc chuyển đổi năng lượng của Indonesia “rất độc đáo” nhờ nước này có sức tăng trưởng kinh tế cao, địa lý, các trung tâm dân cư thuận lợi, và tiềm năng năng lượng sạch, theo David Elzinga - chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét.
Dù Indonesia có tiềm năng về năng lượng mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, điện gió cùng các nguồn năng lượng khác, nhưng chỉ mới có khoảng 12% nguồn năng lượng này được khai thác, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). Trong khi đó, hầu như toàn bộ nguồn cầu năng lượng của Indonesia được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, với 60% từ than vốn gây ô nhiễm nặng.
Xăng dầu thì gây tác động xấu cho môi trường: năm 2021, Indonesia phát thải 600 triệu tấn khí carbon dioxide và đứng hàng thứ 9 trong số các nước phát thải khí carbon cao nhất, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Dự kiến dân số cùng sức tăng trưởng kinh tế sẽ nâng mức tiêu thụ năng lượng của Indonesia lên gấp 3 lần kể từ năm 2050.
Chuyên gia Elzinga nói: “Đó là tương lai đầy thách thức trong việc chuyển đổi khi sức tăng trưởng lớn như vậy. Điều này khác với một nước phát triển có nguồn tài chính lớn và mức tăng trưởng kinh tế thấp”.
Hiện tại, nhiều nước phát triển đã có những tham vọng lớn sử dụng năng lượng tái tạo, dù các nhà nghiên cứu nói chưa có nước nào hiện đáp ứng tốt các mục tiêu đối phó tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các quan chức Indonesia khẳng định họ đã bắt đầu cuộc chuyển đổi năng lượng: công bố các quy định liên quan điện mặt trời, đặt mục tiêu nâng phần chia thị trường xe điện (EV) ở Indonesia lên 25% trong tổng doanh số bán xe kể từ năm 2030, đã triển khai các trạm sạc điện cho EV. Nhưng các chuyên gia cảnh báo Indonesia đang kém xa nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề này.
Indonesia cũng đã đề cập sự giúp đỡ từ những nước phát triển: “Chúng tôi không muốn bị hạn chế trong tăng trưởng kinh tế. Các nước công nghiệp có thể ủng hộ chúng tôi”, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Rachmat Kaimuddin cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn còn là một rào cản, theo nhà phân tích năng lượng tài chính Elrika Hamdi của Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (trụ sở ở Indonesia).
Theo một ước tính, Indonesia sẽ cần đến 2.400 tỉ USD để đầu tư vào hệ thống năng lượng kể từ năm 2050, một con số quá lớn so với 20 tỉ USD có từ JETP. “Chúng tôi sẽ còn phải đi một con đường dài để tìm đủ tài chính thực hiện việc chuyển đổi năng lượng”, chuyên gia Hamdi nói.
Cách cung cấp nguồn tiền từ JETP, cho vay hoặc cấp, cũng là một mối lo, theo bà Grita Anindarini - một thành viên Trung tâm Luật môi trường Indonesia. Bà nói: “Chúng tôi muốn bảo đảm nguồn tiền đó sẽ không dẫn đến một bẫy nợ”.