TS Nguyễn Đình Cung: Đứt gãy xăng dầu, các bộ đổ lỗi cho nhau là rất thiếu trách nhiệm

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:23, 15/02/2023

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng trong thời gian vừa qua, để đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu và việc các bộ “đá bóng” trách nhiệm với nhau là rất thiếu trách nhiệm.

Đứt gãy thị trường, không thể đổ hết do chiến tranh

Sáng 14.2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Phía Bộ Công Thương cho rằng, từ cuối năm 2021 đến nay, đặc biệt là từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine xẩy ra (bắt đầu từ tháng 2 năm 2022), thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá cả biến động với biên độ lớn và thường xuyên.

Trước diễn biến phức tạp về nguồn cung và giá cả của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, vừa qua tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

xang-dau-cung-2.jpg
Hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tham dự hội nghị

Theo đó, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu theo quy định của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi để theo kịp những diễn biến phức tạp, bất thường của thị trường xăng dầu thế giới.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong thời gian vừa qua, để đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu, trái phiếu thể hiện yếu kém trong quản lý nhà nước, không thể đổ hết cho vấn đề chiến tranh.

"Tôi còn nhớ, thời chiến tranh ở Kuwait, Iraq… cách đây khoảng hai chục năm, tác động có lẽ còn lớn hơn, có lúc gia xăng dầu thế giới lên đến hơn 140 USD/thùng. Nhưng trước đây, Chính phủ xử lý khác, cách điều hành cũng khác, các bộ không "đá bóng lẫn nhau" như vừa rồi”, ông Cung nêu.

Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, trong những lúc nước sôi, lửa bỏng của thị trường xăng dầu vừa qua, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần rút kinh nghiệm, lắng nghe doanh nghiệp, chuyên gia, không nên tuyên bố xử phạt, dùng mệnh lệnh…

“Điều tôi lo lắng là Nghị định 83, Nghị định 95 và cả dự thảo mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến có rất nhiều điều khoản mà nội dung còn mù mờ, không rõ ràng, tạo dư địa tùy ý và tùy nghi thực hiện của các cơ quan nhà nước liên quan”, ông Cung nói.

nguyen-dinh-cung.jpeg
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

TS Cung cho rằng tư duy điều hành giá là lấy Nhà nước quyết định giá bán cuối cùng. “Mấu chốt điều hành là lấy quá khứ méo mó để làm khung điều hành cho hiện tại và tương lai. Ngay cả quá khứ không méo mó thì cũng không hợp lý để điều hành”.

Theo ông Cung, thị trường xăng dầu thế giới cập nhật giá từng ngày, từng giờ và rất minh bạch. “Chúng ta cần xóa bỏ bao cấp về xăng dầu. Những chi phí cuối cùng đẩy vào giá trong nước, cho nên nói nếu không quản thì giá lạm phát, đây là lập luận phi lý vì chi phí đẩy đẩy vào hết giá thành nên nếu quản lý thêm chi phí nữa như lưu thông bắt buộc, quỹ bình ổn giá, bộ máy điều hành, chi phí về thuế… Nếu lo lạm phát thì giảm thuế đi” ông Cung phân tích.

“Lần này giá xăng dầu tự do hóa thì tôi tin rằng thị trường thông minh hơn chúng ta nhiều. Nếu có lo thì Nhà nước nên lo nhóm đói nghèo, khi giá cao thì cấp trực tiếp cho người mua. Đấy là cách không làm méo mó thị trường. Nhà nước lo nhưng lại bắt doanh nghiệp chịu là không hợp lý’”, ông Cung nêu.

Ông Cung đề nghị cần bỏ Quỹ bình ổn giá, bỏ tư duy điều hành giá trong vòng 15 ngày hay 7 ngày để cho thị trường tự quyết định, cũng bỏ việc quy định 5-7km/cây xăng… và để cho thị trường quyết định.

Đối với quyền và trách nhiệm của phân phối, theo TS Nguyễn Đình Cung, cái cốt lõi là đảm bảo cung cấp đủ hàng trong mọi điều kiện, đây là trách nhiệm Nhà nước, chứ không được đẩy sang vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Cần bỏ ngay những gì hạn chế cạnh tranh

Theo TS Cung để thị trường xăng dầu ổn định và thị trường hoá tự do thì những gì hạn chế cạnh tranh phải loại bỏ ngay. Ông Cung cho rằng những cải cách cần phải trao đổi nhiều, chứ không chỉ "cơi nới" trong Nghị định hiện nay mà phải thay đổi tư duy của quản lý Nhà nước.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI cho hay dự thảo Nghị định sửa đổi do Bộ Công Thương soạn thảo rất rõ ràng và thẳng thắn. Tuy nhiên, Nghị định có tác động lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu cũng như đời sống người dân.

xang-dau-1(1).jpg
Đại diện các cơ quan, bộ ngành tại hội thảo

Ông Tuấn cho rằng vừa qua cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm trước tình trạng cây xăng đóng cửa, đây là giải pháp tình thế nếu như không giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới thị trường thì mới hiệu quả, trong khi thực tế “có doanh nghiệp kể rằng vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện phải lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng”.

"Mệnh lệnh hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế, do đó quá trình xây dựng dự thảo Nghị định (sửa đổi) ban soạn thảo cần nhất quán quan điểm về tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai và minh bạch."

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp để sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu sao cho phù hợp nhất với bối cảnh thế giới, bối cảnh kinh tế xã hội trong nước, sát với các biến động thị trường và đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước nhưng phải làm sao tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân.

Hoài Lam