Phấn đấu đưa giao thương với Trung Quốc tăng gấp 10, gấp 100 lần hiện tại
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:35, 14/02/2023
Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung
Đó là lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới, được tổ chức ngày 14.2.
Theo Bộ trưởng Hoan, các tỉnh biên giới của hai nước có nhiều các hoạt động giao thương hàng hóa nhằm thúc đẩy nền kinh tế, xã hội cho nhau. Hai bên cùng phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, nhất là trong lúc tình hình dịch bệnh khó khăn những năm qua. Hội nghị lần này cũng là dịp để hai bên cùng nhau đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, nhất là các sản phẩm nông sản, chất lượng cao của cả hai nước.
Theo số liệu báo cáo, trong năm 2022 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,5 tỉ USD, chiếm 24% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Đây được xem là thị trường lớn quan trọng đối với các mặt hàng nông sản của nước ta. Thị trường xuất khẩu hoa quả Việt Nam chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); cao su chiếm tỷ trọng 71,91%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam lớn thứ 3, sau Mỹ, Nhật Bản.
Mặc dù có nền kinh tế giao thương bền chặt từ nhiều năm nay, nhưng những năm gần đây chính sách hai nước đã có nhiều thay đổi, Trung Quốc đã đưa ra những yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao như chất lượng, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... Nhất là với mặt hàng thực phẩm, nông sản, hoa quả của hai nước. Nhưng với sự phối hợp kịp thời, Việt Nam vẫn luôn đảm bảo đáp ứng đúng, đủ và đảm bảo các yêu cầu được đưa ra.
Phía Trung Quốc những năm qua đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành các lệnh 248, 249 vào năm 2021 và lệnh 259 năm 2022. Đồng thời Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông-thủy sản Việt Nam thuộc nhóm lớn nhất, nhưng trong một số giai đoạn, thương nhân Việt vẫn còn tư duy buôn chuyến sang thị trường này để kiếm lời. "Người dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, doanh nghiệp bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Ông cho rằng thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc "buôn bán có lãi một vài chuyến", mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.
"Với thị trường Trung Quốc, các bộ ngành, doanh nghiệp, người dân cần đồng lòng nỗ lực đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại", ông Hoan kỳ vọng.
Doanh nghiệp Trung Quốc đặt hàng nông sản Việt
Đại diện doanh nghiệp Quảng Tây - Tổng giám đốc mảng trái cây Đông Nam Á, công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah (Quảng Đông), ông Ngô Tuấn Dật cho biết năm 2022 công ty đã thu mua của Việt Nam hơn 2.000 container hàng hóa. Đây là hợp đồng thường niên, năm nào công ty cũng mua số lượng đó với các mặt hàng như sầu riêng, mít, chanh leo, xoài, khoai lang tím với doanh số bán hàng lớn.
Ông Ngô Tuấn Dật hy vọng hội nghị này là cơ hội để gặp được nhiều doanh nghiệp tiềm năng ở Việt Nam. "Chúng tôi có cả các kênh bán hàng trực tuyến, kênh bán trực tiếp tại các siêu thị, chợ. Trên nền tảng mạng xã hội Douyin (tương tự Tiktok ở Việt Nam), chúng tôi cũng có kênh bán hàng". Ông cũng dự kiến năm 2023 công ty sẽ thu mua nông sản Việt Nam, từ 2.000 lên 2.500 container.
Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khắt khe, các hoạt động giao thương đi lại, hàng hóa tại một số cửa khẩu trên Lạng Sơn đã dần được khôi phục.
Đến nay, Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, trái cây.
Tuy nhiên, theo ông Thiệu, hoạt động khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: Số lượng xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự...
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn Bộ Công Thương và các ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thường xuyên trao đổi, kết nối thông tin về các chính sách, định hướng phát triển thương mại quốc tế, kết nối giữa doanh nghiệp hai bên và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định chung về hàng hóa, nông sản xuất nhập khẩu.
Các địa phương có vùng trồng, vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu lớn tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của thị trường xuất khẩu.
Ông Thiệu cũng đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân tăng cường công tác thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, hoạt động xuất khẩu để chủ động, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu phù hợp với thực tiễn; đảm bảo hàng hóa khi xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của thị trường xuất khẩu về xuất xứ, chất lượng, bao bì đóng gói... để thông quan nhanh chóng, thuận lợi.