'Giỏ' đầu tư nào sẽ là điểm sáng năm 2023?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:32, 16/02/2023

Năm 2023 sẽ là một năm đầy biến động khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng thắt chặt chính sách tiền tệ... Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư vẫn có cơ hội gia tăng lợi nhuận nếu chọn đúng kênh đầu tư.

Ngay từ cuối năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại do chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố bên ngoài và nội tại. Điều này đã thể hiện trên thị trường tài chính như: thị trường chứng khoán mất hơn 30% giá trị; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đóng băng; thị trường vàng biến động rất mạnh; ngân hàng tăng lãi suất mạnh tay để thu hút vốn do huy động thấp so với tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng phải nới room tín dụng nhiều lần trong năm 2022 cho các ngân hàng và đến cuối năm nâng trần tín dụng đến 15,5 và 16%.

dau-tu.jpg

Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố khi Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị chao đảo. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất bởi đồng USD và các đồng tiền khác sẽ tiếp tục tăng giá khiến đồng tiền Việt Nam bị mất giá hơn. 

2023 được đánh giá là một năm đầy biến động của giới đầu tư khi đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn biến mất, lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực, các ngân hàng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát... Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế khẳng định, nhà đầu tư vẫn có cơ hội gia tăng lợi nhuận nếu như chọn đúng kênh đầu tư.

Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trước khi xác định đổ tiền vào kênh đầu tư nào, các nhà đầu tư nên định hình sẵn 3 nguyên tắc đầu tư chính, đó là: an toàn vốn, sinh lời cao, thanh khoản cao.

Với kênh gửi tiền ngân hàng vẫn luôn được đánh giá là an toàn nhất, nhưng vị chuyên gia này cho rằng kênh này sẽ không sinh lời cao trong năm nay. Lãi suất huy động tăng sẽ có lợi cho người gửi tiền, nhưng đồng thời cũng đẩy gánh nặng tài chính lên phía người đi vay. Vì vậy, nhà đầu tư không nên mở rộng mà hãy đánh giá lại danh mục đầu tư, tái cơ cấu...

Thị trường chứng khoán hiện đang được xem là kênh đầu tư rất rủi ro. Việc thị trường có thể quay trở lại mốc 1.500 điểm trong năm 2023 rất khó. Ông Hiếu nhìn nhận thị trường còn có thể đóng băng đến ít nhất là nửa đầu năm 2023 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu chấm dứt tăng lãi suất, giá đồng USD tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài, vì thế khả năng gia tăng trong nửa cuối năm 2023 là có thể xảy ra.

Với thị trường bất động sản, trong năm 2023, ông Hiếu cho rằng nhiều nhà kinh doanh bất động sản với tiềm lực tài chính tốt đang tiếp tục quan sát, chờ đợi. Thị trường bất động sản đang có nguồn cung rất lớn, phần dư thừa đặc biệt ở phân khúc bất động sản cao cấp, các khu nghỉ dưỡng hiện đang bán rất chậm hoặc thậm chí đóng băng. Tuy nhiên, phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình vẫn có nhu cầu rất cao. Nhưng đây lại là phân khúc mà nhà đầu tư không mặn mà. Vị chuyên gia dự đoán, thị trường bất động sản, nếu hồi phục, sẽ rơi vào nửa sau 2023, khi Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Thị trường vàng lạc quan hơn do xung đột giữa Nga và Ukraine khó có thể giải quyết trong năm 2023. Thêm vào đó, vấn đề lạm phát cao ở nhiều nước có thể sẽ còn đẩy giá vàng lên cao hơn nữa. Nhưng, ông Hiếu nhìn nhận đây là một thị trường khá rủi ro ở Việt Nam, nhà đầu tư cần thận trọng vì giá vàng trong nước luôn cách giá vàng thế giới khá xa, có lúc tới 20 triệu đồng/lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nói về về quan điểm lựa chọn kênh đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng, triển vọng đầu tư vào thị trường vàng sẽ lạc quan và ít rủi ro hơn các kênh khác trong năm 2023. Bên cạnh đó, đầu tư vào các mã chứng khoán có thương hiệu tốt cũng là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, dù bỏ tiền đầu tư vào kênh nào đi chăng nữa thì nhà đầu tư cũng phải kiểm soát được rủi ro.

"Rủi ro luôn hiện hữu ở bất kỳ kênh đầu tư nào. Vấn đề là chúng ta phải biết định nghĩa khẩu vị rủi ro, biết bản thân thích đầu tư vào loại rủi ro nào, doanh nghiệp nào, thời hạn bao lâu, mong chờ mức lợi nhuận thế nào. Mỗi nhà đầu tư cần có kỷ luật đầu tư và cơ chế kiểm soát", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong khi đó, cũng bàn vấn đề này tại Tọa đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023" ngày 15.2, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho rằng, trái phiếu vẫn là kênh đầu tư khá tốt, rất tốt cho năm 2023 và năm 2024. Bởi mặt bằng lãi suất đi xuống cộng thêm môi trường kinh doanh khó khăn nên những doanh nghiệp tốt cũng phải đẩy lãi suất huy động trái phiếu lên để đáp ứng hoạt động kinh doanh.

"Nhìn khoảng thời gian 2020-2021, đa phần trái phiếu đến tay nhà đầu tư lợi tức 8-9%, trong khi lãi suất ngân hàng 6-7%, lợi nhuận bù rủi ro dao động từ 1-3% nhưng thời điểm hiện tại thì nhiều trái phiếu xác suất vỡ nợ cực thấp. Lợi tức trái phiếu gấp đôi gửi ngân hàng với kỳ hạn tương đương, trên môi trường lãi suất đi xuống thì đó là kênh hấp dẫn với nhà đầu tư thụ động", ông Tường phân tích.

Theo các chuyên gia, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 vẫn đang là một dấu hỏi lớn trước áp lực đáo hạn lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nền lãi suất cao đan xen với những tín hiệu tích cực từ sự phát triển của nền kinh tế, đầu tư từ nước ngoài, đầu tư công và triển vọng thương mại quốc tế...

Tuyết Nhung